Ông Trump hồi đầu tháng công bố áp thuế với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ. Khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Nhiều đối tác chịu mức thuế đối ứng cao, lên tới 50%, áp dụng từ 9/4. Ông Trump sau đó thông báo hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết đối tác và chính quyền của ông đang đàm phán với nhiều bên để thay đổi chính sách thuế này.
Theo WSJ, các đối tác của Mỹ đang chạy đua cam kết mua thêm hàng Mỹ để tránh đòn thuế mạnh tay từ ông Trump. Chiến lược này từng được Trung Quốc sử dụng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Bắc Kinh năm 2019 ngăn cuộc chiến thuế quan với Washington tiếp tục leo thang bằng cách cam kết tăng mua hàng hóa sản xuất và dịch vụ từ Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Phòng Bầu Dục ngày 3/2. Ảnh: AP |
Hàn Quốc được cho là sẽ thảo luận về việc tham gia dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 44 tỷ USD sau khi từ chối cách đây không lâu. Ấn Độ tuyên bố đặt mục tiêu tăng gần 4 lần kim ngạch thương mại với Mỹ lên mức 500 tỷ USD, khi ông Trump thúc giục nước này mua nhiều thiết bị quốc phòng hơn từ Mỹ.
Đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ từng diễn ra trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump và cuối cùng không mang lại kết quả. Nhưng lần này dường như Ấn Độ sẽ không để mọi chuyện như vậy. "Chúng tôi đã chuẩn bị cho tình thế cấp bách này", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói đầu tháng 4.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) đề xuất tăng mua LNG và đậu nành của Mỹ. Ông Trump gợi ý rằng thương chiến có thể chấm dứt nếu EU mua thêm 350 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ. Hiện tại, 45% lượng LNG ở EU được nhập khẩu từ Mỹ. Tuần này, liên minh bày tỏ quan tâm đến đề xuất của ông Trump, xem đây như lựa chọn để đa dạng hóa nguồn cung trong nỗ lực thoát phụ thuộc năng lượng Nga.
"Mỹ chắc chắn là một trong những lựa chọn tốt", một phát ngôn viên của EU nói ngày 14/4.
Ông chủ Nhà Trắng ngày 17/4 tin rằng việc đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), bên chịu mức thuế 20%, sẽ không gặp nhiều vấn đề. "100% sẽ có thỏa thuận thương mại", ông Trump nói tại cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ở Nhà Trắng. Bà Meloni mời ông Trump tới thăm Italy và gặp các quan chức thương mại EU để đàm phán.
Trong những ngày gần đây, Thái Lan và Malaysia nói với các nhà sản xuất ngũ cốc ở Argentina rằng họ có thể phải mua hàng từ Mỹ để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại và đàm phán thỏa thuận thuế quan tốt hơn với ông Trump, theo Gustavo Idigoras, người đứng đầu nhóm đại diện các nhà chế biến và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Argentina. "Đó là một rủi ro lớn với chúng tôi, Idigoras nói.
Trong chuyến thăm Nhà Trắng tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết xóa bỏ thặng dư thương mại trị giá 7,4 tỷ USD với Mỹ. Ông cho biết đã nói với Tổng thống Trump rằng "điều này không khó với chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm được".
![]() |
Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang California, Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP |
Một số quốc gia thu nhập thấp không thể nhập thêm hàng hóa của Mỹ, song cam kết không trả đũa hoặc xóa bỏ thuế quan của họ đối với hàng nhập khẩu từ Washington. Lãnh đạo Zimbabwe đã yêu cầu đình chỉ ngay lập tức các rào cản nhập khẩu với hàng hóa Mỹ nhằm tạo ra "mối quan hệ cùng có lợi và tích cực" với Washington.
Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu việc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ và giảm tình trạng mất cân bằng thương mại có đủ xoa dịu ông Trump hay không. Giới quan sát lưu ý Trung Quốc đã không hoàn thành được cam kết trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á và từng là quan chức thương mại Mỹ, cho hay chính quyền ông Trump dường như muốn nhiều hơn ngoài tăng trưởng kinh doanh đơn thuần. Họ đang tìm kiếm các khoản đầu tư lớn vào Mỹ và xóa bỏ rào cản phi thuế quan. "Mặc dù các thông báo mua hàng được hoan nghênh, chúng thường không kéo dài lâu", Cutler nói.
Giới quan sát cảnh báo trong một số trường hợp, xóa bỏ hoàn toàn mất cân bằng thương mại là lựa chọn không khả thi. Campuchia là một ví dụ. Quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu hàng may mặc và giày dép, có thặng dư thương mại hơn 12 tỷ USD với Mỹ, con số chiếm hơn 25% GDP nước này.
Các mức thuế quan của Mỹ cũng có thể làm tổn hại đến chính những thương vụ giữa Mỹ và các đối tác. Đầu tháng này, Mỹ chấp thuận thương vụ bán tiêm kích F-16 mới cho Philippines, nhưng Manila cho biết mức thuế mới có thể khiến họ không đủ tiền thanh toán.
"Lịch sử cho chúng ta thấy sẽ không có bên nào thắng trong chiến tranh thương mại", Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói tại một hội nghị kinh tế gần đây.
Thùy Lâm (Theo WSJ, AFP, AP)