Đôi mắt anh đỏ hoe, tinh thần kiệt quệ. Nửa năm trước, anh nhập viện khi suy kiệt, sốt cao, viêm phổi nặng và được chẩn đoán nhiễm HIV với tải lượng virus cao, hệ miễn dịch gần như sụp đổ.
Sau khi điều trị ổn định, anh được cấp thuốc kháng virus ARV và hẹn tái khám hàng tháng. Nhưng giờ đây, anh muốn từ bỏ tất cả. Là công nhân xây dựng từ tỉnh lên thành phố mưu sinh, anh từng trải qua giai đoạn "nổi loạn" thời trẻ. Gia đình ban đầu chăm sóc tận tình, nhưng khi biết anh nhiễm HIV, họ quay lưng, bỏ rơi, đẩy anh vào tuyệt vọng, bác sĩ Dung kể, hôm 21/5.
15 năm làm việc tại phòng khám ngoại trú OPC, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà Dung không xa lạ với những trường hợp tương tự. Từ người phát hiện HIV khi còn khỏe mạnh đến những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kiệt quệ, tâm trạng u uất, đều từng có ý định "muốn từ bỏ".
"Tôi biết điều họ cần bây giờ không phải thuốc, mà là một bàn tay giữ lại cuộc sống này", bác sĩ Dung chia sẻ. Với người đàn ông 33 tuổi, bà dành nhiều giờ lắng nghe, tìm hiểu về tình trạng kỳ thị anh phải đối mặt, về công việc và tương lai. Cuối cùng, người bệnh đồng ý tiếp tục điều trị với một lời nhắn nhủ: "Bác sĩ đừng để ai biết bệnh của tôi nhé".
Tương tự, bác sĩ Dung kể về một bệnh nhân nữ, hoàn cảnh gia đình phức tạp, tâm sự muốn dừng điều trị "để ra đi nhẹ nhàng" vì con gái đã bị gửi vào trại trẻ mồ côi. "Em có quyền mệt mỏi và khóc, nhưng em cũng có quyền sống. Con gái vẫn đang đợi em về - là một người mẹ khỏe mạnh", bác sĩ Dung động viên.
Sau đó, bà giúp người bệnh kết nối với những bệnh nhân khác, không chỉ trò chuyện về sức khỏe mà còn về cuộc sống thường ngày. Dần dần, người phụ nữ tìm lại được động lực để tiếp tục điều trị.
![]() |
Minh họa virus HIV. Ảnh: NIH |
Theo dữ liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 250.000 người sống chung với HIV, trong đó chỉ 170.000 người đang được điều trị ARV. Nghiên cứu từ Tạp chí Y học Dự phòng năm 2022 chỉ ra rằng 35% bệnh nhân ngừng điều trị trong hai năm đầu tiên, chủ yếu do gánh nặng tâm lý và xã hội.
Công trình của Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360) năm 2024 cũng cho thấy khoảng 50% người HIV tại Việt Nam không duy trì điều trị liên tục, trong đó nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất. Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ điều trị mà còn liên quan sức khỏe tinh thần của các bệnh nhân, bác sĩ cho hay.
Một nghiên cứu năm 2021 từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khảo sát 183 nam MSM cho thấy 23,5% số người này bị trầm cảm. Các triệu chứng phổ biến nhất xuất hiện ở hơn 50% người mắc là giảm quan tâm, giảm khí sắc, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bi quan về tương lai và giảm lòng tự trọng. Trầm cảm mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm ở miền Bắc, có khoảng 1.650 người nhiễm HIV đang điều trị ngoại trú. Đội ngũ y bác sĩ nhận thức rõ vai trò của họ không chỉ dừng lại ở việc điều trị thể chất mà còn phải hỗ trợ tâm lý, giúp người bệnh yên tâm quay lại tái khám.
"Với những trường hợp suy sụp, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để giải thích, động viên rằng HIV không phải là dấu chấm hết. Nếu điều trị sớm, người nhiễm vẫn có thể sống khỏe mạnh, làm việc, yêu đương, lập gia đình như bao người khác", bác sĩ Dung bày tỏ. Y học hiện đại đã có thuốc ARV giúp kiểm soát virus HIV hiệu quả, cho phép người nhiễm sống gần như bình thường.
Thực tế, nhiều bệnh nhân HIV phát hiện muộn do thiếu thông tin, khiến bệnh trở nặng, nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công cùng lúc. Gánh nặng điều trị, kinh phí và di chứng bệnh tật khiến họ rơi vào tuyệt vọng. Một số người biết mình nhiễm bệnh nhưng né tránh, sợ kỳ thị hoặc không tìm được nguồn tư vấn uy tín. Khi vào viện trong tình trạng nặng, tâm lý lo sợ và muốn buông bỏ càng trở nên mãnh liệt.
Khi bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, virus HIV nhanh chóng trỗi dậy, hệ miễn dịch suy kiệt, các bệnh nhiễm trùng cơ hội dễ dàng tấn công. Nếu họ quay lại điều trị, phác đồ thuốc thường không còn hiệu quả như trước, tỷ lệ thất bại cao hơn, chi phí điều trị tăng, và nguy cơ lây nhiễm mới trong cộng đồng cũng cao hơn.
Các chuyên gia đề xuất cần xây dựng một hệ sinh thái y tế an toàn, nhân văn, trong đó tích hợp dịch vụ hỗ trợ tâm lý - tâm thần vào điều trị HIV như một phần bắt buộc, không phải tùy chọn. Hệ thống y tế cần đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tư vấn tâm lý cho nhân viên, tăng cường kết nối với cộng đồng hỗ trợ người nhiễm HIV.
Bác sĩ Dung và đồng nghiệp luôn tiếp cận bệnh nhân bằng sự thấu hiểu, không phán xét, tạo cơ hội cho họ bày tỏ cảm xúc, lý do muốn bỏ điều trị và động viên bằng ngôn ngữ tích cực. Một số trường hợp phức tạp được chuyển đến làm việc với nhà tâm lý hoặc tham gia nhóm hỗ trợ đồng đẳng. Bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm nặng hoặc ý định tự tử được chuyển sang chuyên khoa tâm thần.
![]() |
Y bác sĩ trong ca hồi sức bệnh nhân mắc nhiều bệnh nhiễm trùng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Thúy Quỳnh