Trả lời:
Nội soi dạ dày được bác sĩ chỉ định để tầm soát bệnh hoặc khi người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ như chảy máu bất thường (nôn ra máu, đi tiêu phân đen), ợ nóng, khó tiêu, chán ăn, đầy bụng kéo dài, khó nuốt, sụt cân không rõ lý do, tiền sử gia đình ung thư đường tiêu hóa... Qua nội soi dạ dày, bác sĩ có thể quan sát rõ những tổn thương bao gồm tiền ung thư và ung thư. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sinh thiết trong lúc nội soi để đưa ra kết luận chính xác.
Hiện nay, có nhiều hệ thống máy nội soi thế hệ mới như Olympus EVIS X1 CV-1500, Fujifilm 7000, được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như chế độ phóng đại quang học, khả năng nhuộm màu, giúp phát hiện những tổn thương phẳng rất nhỏ, xác định rõ cấu trúc, ranh giới, mức độ xâm lấn của tổn thương... Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể loại bỏ polyp, ngăn nguy cơ polyp hóa ác.
Để chẩn đoán giai đoạn ung thư dạ dày, ngoài nội soi, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp hình ảnh như chụp X-quang dạ dày cản quang với bari, chụp CT, PET-CT, MRI hoặc siêu âm nội soi. Trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định nội soi ổ bụng (nội soi chẩn đoán hay nội soi staging) nhằm đánh giá tình trạng lan rộng trong ổ bụng, đặc biệt khi nghi ngờ di căn phúc mạc.
![]() |
Bác sĩ Lai nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh minh họa: Phòng khám cung cấp |
Phát hiện ung thư góp phần làm tăng cơ hội sống cho người bệnh. Ở giai đoạn sớm, tế bào ung thư mới hình thành trong niêm mạc, chưa xâm lấn, chưa di căn đến hạch bạch huyết và cơ quan xa giúp điều trị đơn giản, tỷ lệ chữa khỏi cao, giảm chi phí. Ung thư giai đoạn muộn cần điều trị đa mô thức, kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, sử dụng thuốc đích, điều trị giảm nhẹ... tỷ lệ chữa khỏi thấp.
BS.CKI Nguyễn Ngọc Lai
Đơn vị Nội soi Tiêu hóa
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |