Ngày 28/4, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) đã khởi tố Vũ Mạnh Cường và Hoàng Văn Hà về tội Đưa hối lộ; Phạm Gia Khải (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Nam) về tội Môi giới hối lộ; Nguyễn Văn Quân (lao động tự do) bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, sau khi bị lực lượng cảnh sát môi trường Bộ Công an kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, ngày 27/12/2024, Hà và Cường đã thống nhất tìm cách "chạy án". Mục đích là để vụ việc không bị xử lý nặng, chuyển hướng về xử phạt hành chính thay vì khởi tố hình sự.
Từ đó, Cường đã chuẩn bị 150.000 USD để giao cho Hà, đưa cho Khải. Tiền sau đó được Khải đưa cho Quân để đi "lo lót" cho hai công ty và các bị can không bị xử lý hình sự trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trước và trong khi nhận tiền, Quân đã đưa ra nhiều thông tin gian dối về việc quen biết với cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền để có thể giảm nhẹ được mức độ xử lý, không bị xử lý hình sự. Qua đó làm cho Khải tin tưởng mà giao tiền. Sau khi nhận được 150.000 USD, Quân chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
![]() |
Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND |
Trước đó, ngày 10/4, C01 đã khởi tố Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên (Giám đốc, Phó giám đốc, cổ đông góp vốn của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group) cùng 4 đồng phạm về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, Hà, Cường bị cáo buộc vai trò cầm đầu đường dây, là ông chủ đích thực của Hacofood Group và Rance Pharma cùng các công ty trong hệ sinh thái.
Đường dây sản xuất sữa giả này vận hành từ tháng 8/2021 khi Hà và Cường nhận thấy nhu cầu sử dụng sữa bột nội địa ngày càng cao. Thành phần công bố của các loại sữa bột gồm có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ đi một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung bằng các phụ gia khác.
Các loại sữa bột giả của Hacofood Group và Rance Pharma được phân phối ra thị trường toàn quốc, chủ yếu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm này cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất. Các bị can chỉ đạo bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.
![]() |
Danh sách 12 loại sữa bột giả. |
Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Các nghi phạm sản xuất sữa giả trong vụ án này đã lợi dụng quy định về việc cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm để sản xuất hàng giả.
Đến thời điểm bị bắt, ngày 11/4, đường dây bị nghi sản xuất 573 loại sữa bột, thu gần 500 tỷ đồng. Cảnh sát còn xác định Công ty Rance Pharma và Hacofood để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Hiện, C01 cho rằng có đủ cơ sở xác định 12 loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố, hay còn gọi là hàng giả. 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ.
Trong 12 sản phẩm sữa bột giả điển hình có COLOS IQ FOR MUM, COLOS IQ DIABETES, ARIFA A+ ProGold; sữa công thức KENMIL PREMIUM PEDIA GOAT, Kodo A+ Starter Colostrum 1...