Ngày 28/5, ông An, 60 tuổi, cựu vụ phó Thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ bị TAND Hà Nội xét xử về tội Nhận hối lộ; ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, 61 tuổi, cựu chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng về tội Đưa hối lộ.
Trần Trác Việt Đức, 35 tuổi Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và bà Đỗ Thị Tuyết Nga, 46 tuổi, kế toán trưởng, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
![]() |
Ông Nguyễn Lộc An, cựu vụ phó Thị trường trong nước, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Xuyên Việt Oil hồi tháng 11/2024. Ảnh: Trần Quỳnh |
Đây là lần thứ hai ông An bị xét xử cùng tội Nhận hối lộ. Hôm 12/5, ông bị TAND cấp cao tại TP HCM phạt 4 năm tù do nhận 400 triệu đồng, đồng hồ Patek Philippe trong vụ án Xuyên Việt Oil.
Trong vụ án được TAND Hà Nội dự kiến xét xử hôm nay, VKSND Tối cao cáo buộc do quen bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt, ông An gợi ý nếu muốn kinh doanh xăng dầu thì sẽ giúp.
Đầu năm 2013, khi bà Phương gọi điện thoại nhờ, ông An hướng dẫn thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước. Bà Phương làm theo.
Đầu năm 2015, Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Ông An được Bộ Công Thương giao làm Trưởng Đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép của Công ty này.
Biết có Đoàn kiểm tra, bà Phương đã đến Nhà khách Bộ Công Thương tại quận 1, TP HCM gặp ông An đưa 200 triệu đồng nhờ giúp công ty được cấp giấy phép. Đầu tháng 2/2015, Công ty Bách Khoa Việt được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Nửa năm sau, bà Phương đến nhà ông An nhờ giúp công ty được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Ông An đồng ý, nói "cứ làm đi, sẽ giúp".
Tại cuộc gặp này, ông An nói đang có ý định mua một căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền và gợi ý bà Phương "hỗ trợ", cáo trạng nêu. Thấy ông An nói vậy, bà Phương hiểu công ty phải được ông An giúp đỡ mới có thể được nâng cấp lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nên đồng ý "hỗ trợ" tiền mua nhà, theo cơ quan công tố.
Đầu tháng 9/2015, ông An chủ động gọi điện thoại đề nghị bà Phương "hỗ trợ" 9 tỷ đồng mua nhà, dặn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của vợ.
Sau khi chuyển tiền cho ông An, tháng 4/2016, Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
VKS xác định khi kiểm tra hồ sơ, ông An biết rõ doanh nghiệp này chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định như: kho xăng dầu, cầu cảng chuyên dụng, phương tiện vận tải xăng dầu, hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu đều chưa phù hợp quy định.
Ông An do đó có văn bản trả lời về việc chưa chấp thuận cấp giấy phép nhưng vẫn "chủ động hướng dẫn" bà Phương hợp thức các điều kiện.
Được "mách nước", bà Phương cử cấp dưới đi liên hệ với các cửa hàng, đại lý để hứa hẹn nếu ký hợp đồng với Bách Khoa Việt sẽ được chiết khấu lớn hơn, được dư nợ nhiều hơn, đảm bảo nguồn cung cho họ khi thời điểm khan hiếm hàng.
Thực tế, sau khi ký hợp đồng thì chỉ có một số cửa hàng, đại lý được Công ty Bách Khoa Việt bán hàng, còn lại nhiều cửa hàng, đại lý thì không.
Công ty này còn thuê kho, bồn chứa cùng hệ thống cầu cảng, công nghệ đồng bộ để hợp thức đủ hồ sơ và gửi lại hồ sơ lên Bộ Công Thương.
Tháng 5/2016, ông An lại được Bộ Công Thương phân làm trưởng Đoàn kiểm tra điều kiện cấp Giấy phép của Công ty Bách Khoa Việt.
Ông An bị cáo buộc chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm tra không kiểm tra hết mà chỉ kiểm tra 6/10 cửa hàng, 21/42 đại lý; không kiểm tra thực tế tại kho tiếp nhận xăng dầu và cầu cảng. Đoàn kiểm tra sau đó vẫn kết luận công ty "đáp ứng đủ các điều kiện".
Tiêu hết tiền trong Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, "không còn khả năng nộp"
Sau khi được cấp phép, Bách Khoa Việt bị mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) để hạch toán. Quá trình kinh doanh, doanh nghiệp bị cáo buộc không thông báo thông tin đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định.
Kết thúc năm tài chính, họ cũng không tổng hợp báo cáo các số liệu hạch toán, lãi tiền gửi của Quỹ BOG tới các cơ quan trên.
VKS xác định, từ ngày được cấp Giấy phép đến khi bị thu hồi (12/3/2021), công ty Bách Khoa Việt xuất bán hơn 33 triệu lít xăng và 538 triệu lít dầu. Theo đó, công ty phải trích lập và gửi Quỹ BOG hơn 188 tỷ đồng nhưng mới chỉ nộp hơn 155 tỷ đồng, thiếu hơn 32 tỷ đồng.
Theo quy định, công ty cũng chỉ được sử dụng 81,5 tỷ đồng của Quỹ BOG. Số tiền còn lại phải để trong tài khoản tiền gửi Quỹ BOG. Nhưng giám đốc Trần Trác Việt Đức bị cáo buộc chỉ đạo Kế toán trưởng Đỗ Thị Tuyết Nga sử dụng hơn 107 tỷ đồng Quỹ BOG không đúng mục đích.
Sau khi bị thu hồi Giấy phép, năm 2021, Bộ Tài chính có đề nghị, đôn đốc công ty này nộp lại 107 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước song đến 27/5/2021, công ty chỉ nộp được gần 1,6 tỷ đồng.
Số tiền hơn 105 tỷ đồng còn lại, công ty "không còn khả năng nộp", cáo trạng nêu.
Tại Công ty Long Hưng, VKS xác định năm 2014, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng nhờ ông An giúp có giấy phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. Ông An nói mình đang tham mưu, đề xuất Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu. Ông An dặn, sau khi Nghị định được ban hành, Long Hưng cần nộp hồ sơ đến Bộ Công Thương thì sẽ giúp.
Sau khi Nghị định 83 ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu được ban hành, ông Quỳnh nhờ và được ông An "mách nước". Theo chỉ dẫn, ông Quỳnh liên hệ với các đại lý xăng dầu nhờ ký hợp đồng làm đại lý bán hàng của Công ty Long Hưng để hoàn thiện đủ 40 đại lý dùng hợp thức hồ sơ, gửi Bộ Công Thương.
Tháng 1/2015, ông An lại được giao làm trưởng Đoàn thanh tra về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Long Hưng.
Theo VKS, tương tự với Công ty Bách Khoa Việt, ông An bị cáo buộc chỉ đạo 4 thành viên còn lại của Đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra hồ sơ và xác suất một số cửa hàng, đại lý của công ty Long Hưng, nhằm "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp này.
Đoàn kiểm tra đánh giá Long Hưng "đủ điều kiện", được cấp Giấy phép tháng 2/2025.
Đến tháng 7/2015, ông An dùng "chiêu cũ", nói muốn mua nhà và chủ động gợi ý ông Quỳnh "hỗ trợ" 10 tỷ đồng.
Ông Quỳnh "hiểu ý", biết ông An "có quyền kiểm tra và đề nghị thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Long Hưng bất kỳ lúc nào". Trước đó ông An cũng chưa được hưởng lợi gì từ việc An giúp đỡ công ty mình. Chủ tịch Quỳnh đồng ý. Ông An chủ động gửi số tài khoản của vợ mình cho Quỳnh và nhận đủ 10 tỷ trong ngày 9/9/2015, cáo trạng nêu.
Song khi trao đổi với vợ và bị vợ phản đối, chủ tịch Quỳnh "đòi" lại 5 tỷ đồng và ông An đã chuyển trả.
Do đó, tổng số tiền cựu vụ phó An bị cáo buộc nhận hối lộ từ 2 doanh nghiệp là 14,2 tỷ đồng.
Tiền được dùng để mua căn biệt thự số 14D3 khu đất đấu giá 18,6 ha tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, đứng tên vợ ông An, hiện bị kê biên do VKS xác định "được mua từ nguồn tiền ông An phạm tội mà có". Người vợ không biết tiền mua nhà do chồng nhận hối lộ, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Gia đình ông An hiện đã nộp lại 8,13 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, doanh nhân Trần Thị Loan Phương bị xác định có hành vi đưa hối lộ. Song khi hành vi chưa bị phát giác, bà đã nhận thức sai phạm, chủ động làm đơn tố giác ông An. Bà còn hành khẩn, ăn năn, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án do đó được các cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự.
Cựu thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải "không biết" việc ông An nhận hối lộ, không biết 2 công ty không đủ điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Quá trình cấp Giấy phép cho 2 công ty, ông Hải không được hưởng lợi.
Việc ông Hải ký Giấy phép cho Bách Khoa Việt không phải nguyên nhân dẫn đến thất thoát ngân sách 105 tỷ đồng Quỹ BOG. Do đó, hành vi của ông Đỗ Thắng Hải không cấu thành tội phạm, VKS nêu.
Cựu thứ trưởng trước đó bị TAND TP HCM phạt 3 năm tù về tội Nhận hối lộ trong vụ án Xuyên Việt Oil
Thanh Lam