Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2025.
Dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. So với Bộ luật hiện hành đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều, bỏ 18 điều.
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh (chiếm 44,44%) và thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án" - vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.
Các tội này là: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
![]() |
Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc sát hại cựu công an xã, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tử hình, tháng 8/2022. Ảnh: Việt Quốc |
Vì sao bỏ án tử hình?
Theo Bộ Công an, sau hơn 8 năm thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt, nên bộ luật bộc lộ nhiều vướng mắc. Đặc biệt là các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập; các mức định lượng và loại hình phạt trong khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng. Từ đó dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình gặp khó khăn trên thực tế.
Ví dụ như các tội Sản xuất, Vận chuyển, Mua bán trái phép chất ma túy tại khoản 4 Điều 248, 250, 251 Bộ luật Hình sự hiện hành đều quy định "phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình".
Luật hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình, song trên thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt cao nhất. Ngoài ra, những năm qua tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình với các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
Một số tội thì tòa ít áp dụng tử hình như Tham ô tài sản, Nhận hối lộ.
Theo Điều 40 của dự thảo, tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy...
Không áp dụng hình phạt tử hình với các trường hợp như người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên.
Bộ Công an cũng đề xuất hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm với người bị kết án đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm.
Ngoài ra sẽ không thi hành án tử hình với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối; người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu.
Phạm Dự