Vụ kiện, được đệ trình lần đầu vào ngày 23/4/2021 tại tòa án hạt Miami-Dade, Florida, do Dillon Angulo và gia đình của Naibel Benavides Leon, người đã qua đời trong vụ tai nạn, yêu cầu bồi thường thiệt hại và chi phí y tế.
Tai nạn xảy ra vào tháng 4/2019 khi chiếc Tesla Model S trang bị công nghệ Autopilot đâm vào một ôtô đang đỗ tại Key Largo, Florida, khiến Leon tử vong và Angulo bị thương nặng.
Theo hồ sơ tòa án, tài xế của chiếc Tesla là George McGee đã kích hoạt chức năng Autopilot của chiếc Model S 2019 khi đang lái xe trên con đường hai làn ở Key Largo vào ngày 25/4/2019. McGee làm rơi điện thoại khi đến gần ngã tư và mất tập trung khi cúi xuống nhặt thiết bị này.
![]() |
Chiếc Tesla Model S sau tai nạn chết người vào tháng 4/2019. Ảnh: FHP |
Trong lúc đó, chiếc Tesla được cho là lao qua ngã tư với tốc độ hơn 96 km/h mà không phanh lại trước khi va chạm với chiếc Chevrolet Tahoe đang đỗ bên lề đường. Tai nạn khiến Naibel Benavides Leon thiệt mạng và bạn trai cô, Dillon Angulo, bị thương nặng. Họ đang đứng cạnh chiếc bán tải của Angulo.
Vấn đề chính là liệu hệ thống Autopilot của xe có bị lỗi và góp phần vào cái chết của Benavides hay không. Theo Todd Poses, luật sư của nguyên đơn, những khuyết điểm trong thiết kế của hệ thống Autopilot đã không phát hiện ra các chướng ngại vật như chiếc Tahoe, dẫn đến cái chết của Leon.
Trong đơn đệ trình vào ngày 26/6, Tesla lập luận rằng tính năng Autopilot "không làm cho xe 'tự lái'" và McGee nhận thức được rằng "vẫn có trách nhiệm vận hành xe an toàn ngay cả khi Autopilot được kích hoạt".
Trong thông báo gửi CBS MoneyWatch, Tesla cho biết: "Bằng chứng rõ ràng cho thấy vụ tai nạn này không liên quan gì đến công nghệ Autopilot của Tesla. Thay vào đó, giống như rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc kể từ khi điện thoại di động được phát minh, vụ việc này là do tài xế mất tập trung. Đáng khen là ông ấy đã nhận trách nhiệm về hành động của mình vì ông ấy vừa tìm kiếm chiếc điện thoại di động bị rơi vừa nhấn ga, tăng tốc và lấn át hệ thống của xe tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Vào năm 2019, khi vụ việc xảy ra, không có công nghệ tránh va chạm nào có thể ngăn chặn vụ tai nạn thương tâm này".
Mary Cummings, giáo sư kỹ thuật tại Đại học George Mason và là chuyên gia về các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, phát biểu với bồi thẩm đoàn rằng sách hướng dẫn sử dụng xe Tesla, trong đó có những cảnh báo quan trọng về cách thức hoạt động của hệ thống, rất khó để các tài xế tiếp cận.
Bà cũng cho biết trước vụ tai nạn, công ty đã gặp vấn đề với việc tài xế phớt lờ các cảnh báo do máy tính tạo ra và chưa áp dụng cái gọi là hàng rào địa lý mà các nhà sản xuất ôtô khác đã sử dụng để ngăn người lái kích hoạt các chức năng hỗ trợ trên những con đường không được thiết kế cho chúng.
Phiên tòa, bắt đầu vào 14/7 và dự kiến kéo dài ba tuần, là một trong những phiên tòa đầu tiên kiểm chứng tuyên bố của CEO Tesla, Elon Musk, rằng ôtô của ông là an toàn nhất. Phiên tòa diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Tesla, khi hãng đang nỗ lực triển khai dịch vụ robotaxi, đặt cược một phần tương lai của mình vào công nghệ lái xe tự động.
Mỹ Anh