Sự kiện đánh dấu cột mốc này diễn ra tại ga Tây Vương Gia Doanh ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, theo thông cáo của Công ty Đường sắt Côn Minh Trung Quốc gửi cho Global Times.
![]() |
Tàu chở hàng quốc tế Lancang - Mekong Express của Đường sắt Trung Quốc - Lào. Ảnh: China Railway Kunming Group Co |
Trong tổng lượng hàng hóa trên, 13 triệu tấn là hàng hóa xuyên biên giới. Cửa khẩu Mohan ở Vân Nam, giáp với Lào đã duy trì xử lý trung bình 18 đoàn tàu quốc tế mỗi ngày, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng như một hành lang logistics chiến lược kết nối Trung Quốc với ASEAN.
"Từ khi khai trương, tuyến đường sắt Trung - Lào đã nhanh chóng chuyển từ kết nối cơ bản sang vận hành trơn tru, hiệu quả, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tài chính giữa Trung Quốc và các nước ASEAN", đại diện Đường sắt Côn Minh Trung Quốc chia sẻ.
Từ 1/1 đến 30/3, tuyến đường sắt này đã vận chuyển 6,1 triệu tấn hàng, trong đó 1,5 triệu tấn là hàng hóa qua biên giới, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc nhập khẩu hơn 12.000 tấn trái cây, trong khi các sản phẩm của tỉnh Vân Nam như rau củ, khoai tây, táo đang ngày càng được ưa chuộng tại Lào, Thái Lan và các nước Đông Nam Á, góp phần gia tăng cả về số lượng và chủng loại hàng xuất khẩu.
Công nghệ hiện đại nâng cao hiệu suất
Tuyến đường sắt Trung - Lào đã tích hợp các công nghệ hiện đại như khai báo hải quan điện tử, thông quan nhanh, logistics đa phương thức một chứng từ, và tài trợ bằng vận đơn đường sắt. Có 71 doanh nghiệp tham gia mô hình này với tổng hạn mức tín dụng 700 triệu nhân dân tệ (96,45 triệu USD).
Tại cửa khẩu Mohan, sự tích hợp của 5G, hệ thống định vị Bắc Đẩu và trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên một bãi hàng thông minh, giúp rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa. Thời gian thông quan nhập khẩu giảm trên 60%, xuất khẩu giảm trên 90%, góp phần thúc đẩy thương mại khu vực.
Mở rộng quy mô và phạm vi vận chuyển
Tuyến đường sắt Trung - Lào hiện đã kết nối với đoàn tàu Trung Quốc - châu Âu, rút ngắn thời gian vận chuyển từ Lào và Thái Lan đến châu Âu chỉ còn 15 ngày. Các chuyến hàng xuyên biên giới hiện bao phủ 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị Trung Quốc cùng 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Lào, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, với hơn 3.000 loại hàng hóa được vận chuyển.
"Tuyến đường sắt này đã làm gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với quặng sắt, tinh bột sắn, cao su, chuối từ Lào và sầu riêng, măng cụt từ Thái Lan. Đồng thời, các sản phẩm công nghệ, máy móc và nông sản ôn đới của Trung Quốc cũng được đưa vào Đông Nam Á hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và phát triển kinh tế khu vực", đại diện công ty cho biết.
Thế Đan (Theo Global Times)