Con số này cao hơn 30% so với vườn không áp dụng mô hình (lợi nhuận ròng ở vườn không áp dụng mô hình canh tác sầu riêng bền vững đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha).
Thông tin được chia sẻ trong sự kiện tổng kết hiệu quả mô hình "Thâm canh sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp công ty TNHH Bayer Việt Nam (Bayer) tổ chức sáng 11/7 tại vườn của nông dân Đoàn Văn Thanh, xã Quảng Tín, tỉnh Lâm Đồng (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông cũ). Hơn 150 nông dân trồng sầu riêng, các đại diện Trung tâm khuyến nông tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương và các đối tác công nghệ đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong thực hành canh tác sầu riêng bền vững tại sự kiện.
![]() |
Sự kiện thu hút hơn 150 nông dân trồng sầu riêng có diện tích lớn trong tỉnh Lâm Đồng tham dự. Ảnh: Minh Minh |
Ông Đoàn Văn Thanh chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ chương trình, gia đình ông đã áp dụng các giải pháp vào canh tác và đạt được nhiều kết quả tích cực sau một năm. Cây sinh trưởng khỏe, tán lá xanh tốt, trái đẹp hơn rõ rệt so với trước đây.
Theo báo cáo từ cán bộ khuyến nông, sau gần một năm triển khai, năng suất vườn đạt trung bình 30 tấn/ha, cao hơn khoảng 10% so với vườn đối chứng, với tỷ lệ trái loại 1 đạt trên 85%. Với giá bán xô ổn định ở mức 65.000 đồng/kg, mô hình này mang lại lợi nhuận ròng vượt xa mức lợi nhuận từ các vườn không áp dụng mô hình.
Mô hình không chỉ ghi nhận hiệu quả về năng suất, chất lượng mà còn góp phần định hình hướng đi bền vững cho ngành sầu riêng địa phương. Mô hình áp dụng giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn đã giúp nông dân chuyển từ thói quen sử dụng thuốc tự phát sang thực hành theo nguyên tắc "4 đúng" và "5 quy tắc vàng". Việc sử dụng thuốc theo đúng chu kỳ sinh trưởng và giai đoạn phát triển của cây cũng như sâu bệnh hại giúp nâng cao hiệu quả phòng trừ, hạn chế kháng thuốc. Đồng thời, mô hình góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và môi trường thông qua việc trang bị đồ bảo hộ, thu gom bao bì sau sử dụng. Với định hướng nông nghiệp tái sinh bền vững, mô hình đã giúp kiểm soát vấn đề dư lượng thuốc, hạn chế ô nhiễm và tạo cân bằng sinh thái cho vùng sản xuất.
![]() |
Trái sầu riêng trong vườn áp dụng mô hình canh tác bền vững. Ảnh: Minh Minh |
Bắt đầu từ chương trình "Canh tác sầu riêng bền vững" trong giai đoạn 2023-2024, mô hình năm 2024-2025 được triển khai với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của 10 nông hộ và tổng diện tích lên tới hơn 300 ha. Đây là một phần trong sáng kiến Better Life Farming do Bayer toàn cầu khởi xướng, hướng tới hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng và cà phê - hai loại cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án không chỉ dừng lại ở cải thiện năng suất, mà còn giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Dự án đã chuyển giao kỹ thuật canh tác sầu riêng theo hướng bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao trên quy mô lớn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Một trong những mục tiêu quan trọng của mô hình là xây dựng quy trình chuẩn canh tác phù hợp với địa phương, từ đó làm cơ sở mở rộng đăng ký mã số vùng trồng, đây cũng là yếu tố bắt buộc để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu chính ngạch. Song song đó, chương trình chú trọng nâng cao nhận thức cho nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn và có trách nhiệm, hướng đến bảo vệ sức khỏe người trồng và môi trường sống.
Ông Trịnh Ngọc Việt Anh, Giám đốc công nghệ số Bayer Việt Nam cho biết, so với năm trước, mô hình năm nay hiện đại hơn khi đã tích hợp một số công nghệ nổi bật. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống tưới kết hợp phân và thuốc - giải pháp giúp tối ưu nguồn lực, giảm công lao động và nâng cao hiệu quả canh tác. Cán bộ kỹ thuật từ Bayer và Trung tâm Khuyến nông phối hợp theo dõi sát sao từng vườn trồng, hướng dẫn nông dân quản lý dịch hại, dinh dưỡng và duy trì sinh thái vườn một cách ổn định. Đồng thời, dự án mở rộng hệ thống cảnh báo thời tiết theo thời gian thực, giúp nông dân chủ động ứng phó kịp thời trong bối cảnh thời tiết ngày càng bất ổn do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, dự án còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn kỹ thuật qua nền tảng số giúp lan tỏa kiến thức nhanh chóng và hiệu quả đến đông đảo nhà nông.
Đặc biệt, một số vườn lớn trong mô hình còn được tư vấn, hỗ trợ kết nối với đối tác để xây dựng mã số vùng trồng, mở đường cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch trong thời gian tới.
![]() |
Cảnh báo thời tiết theo thời gian thực trên app giúp nông dân chủ động ứng phó kịp thời trong bối cảnh thời tiết ngày càng bất ổn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Minh |
Ông Nguyễn Văn Chương, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình triển khai mô hình, một trong những thách thức lớn nhất là thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người nông dân. Tuy nhiên, với sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông và Bayer, các hộ dân đã từng bước tiếp cận phương pháp canh tác hiện đại, bền vững. Kết quả thực tế cho thấy hiệu quả phòng trừ sâu bệnh được nâng cao, chất lượng trái đồng đều hơn, đồng thời kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Việc triển khai mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu vào thời điểm thị trường xuất khẩu đang ngày càng siết chặt tiêu chuẩn chất lượng được giới chuyên môn đánh giá là bước đi đúng hướng. Đây là tiền đề quan trọng giúp ngành sầu riêng địa phương chuẩn hóa quy trình canh tác, mở rộng mã số vùng trồng và từng bước nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
![]() |
Áp dụng mô hình canh tác bền vững góp phần quản lý thành công các đối tượng dịch hại. Ảnh: Minh Minh |
Trong thời gian tới, Bayer dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cùng Trung tâm Khuyến nông, mở rộng mô hình ra các vùng trồng trọng điểm khác, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng đạt chuẩn, phục vụ chiến lược xuất khẩu bền vững.
Hoàng Anh