Một trong những vấn đề quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về tình hình kinh tế - xã hội là chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại thảo luận tổ, sáng 23/5. Ảnh: Phạm Thắng |
Theo Thủ tướng, nhiều dự án tồn đọng nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ do chính sách không phù hợp. Đơn cử, lĩnh vực điện gió và mặt trời, do chính sách trước đây đưa ra chưa phù hợp dẫn tới tiêu cực, lượng lớn dự án được ồ ạt xây dựng không đúng quy hoạch, thủ tục. Ông cho biết Chính phủ đã phải ban hành nghị quyết để xử lý, với tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.
Trong khi đó, theo thống kê từ các địa phương, hiện có khoảng 2.200 dự án tồn đọng. Xử lý được chỗ này, Thủ tướng cho rằng sẽ giải phóng được khoảng 235 tỷ USD, tương đương 50% GDP.
"Chúng tôi đang xây dựng chính sách xử lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm", Thủ tướng nói, thêm rằng "ai làm sai phải xử lý, thể chế chưa phù hợp cần tháo gỡ".
Theo ông, tình hình thay đổi thì cơ chế chính sách phải thay đổi. Đây là "căn bệnh", mà đã có bệnh phải chữa, mổ xẻ, chịu đau đớn nên sẽ không thể thu về 100%.
"Phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí để giải quyết dứt điểm, đưa nguồn lực vào phát triển", Thủ tướng nói.
Nêu ý kiến tại tổ, bà Lò Thị Luyến (đại biểu tỉnh Điện Biên) chia sẻ băn khoăn của cử tri về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của bộ máy xã sau sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương thành 2 cấp. Theo bà, khi sắp xếp cấp xã, cán bộ công chức tại đây sẽ tăng lên, trong khi quy mô trụ sở làm việc nhỏ. "Cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm, đảm bảo cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu làm nhiệm vụ của cán bộ công chức", bà nói.
Cùng quan điểm, ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn tỉnh Trà Vinh nêu thực trạng nhà đất dôi dư sau sắp xếp. Ông dẫn thống kê của Chính phủ, tới 26/12/202, cả nước còn trên 65.000 cơ sở chưa được duyệt, sắp xếp, bố trí lại. Việc này, theo ông, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định riêng về xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, và đặt ra thời hạn xử lý dứt điểm là 6 tháng sau sáp nhập. Phó trưởng đoàn Trà Vinh cũng đề nghị tăng phân cấp cho chính quyền địa phương, đồng bộ dữ liệu chủ sở nhà đất công... để tái sử dụng hiệu quả các cơ sở nhà đất này.
Trả lời các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc sử dụng trụ sở làm việc dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh thần không để lãng phí.
Nói thêm về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Ông nhấn mạnh cần giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho để "không lãng phí thời gian, cơ hội" và tạo không gian phát triển, tạo điều kiện kết nối thuận lợi. Theo đó, chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép, cần chuyển sang hậu kiểm. Cùng với đó, chính quyền các cấp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực.
"Chúng ta cứ nói phân cấp, phân quyền nhưng không phân bổ nguồn lực thì làm sao làm được. Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại phân xuống cho bộ, ngành, địa phương, không nên giữ nguồn lực vì nếu không muốn làm gì cũng phải đi xin", Thủ tướng chia sẻ.
Anh Minh