Đầu tư vào Việt Nam từ thập niên 1990, Schneider Electric lần lượt chứng kiến nước ta tăng trưởng, bứt phá mảng công nghệ. Theo đại diện doanh nghiệp, Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" - trở thành nước dẫn đầu khu vực mảng AI. Cụ thể, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI về bán dẫn - lĩnh vực gắn mật thiết với nền tảng AI, vốn đăng ký gần 11.6 tỷ USD.
Năm qua, Việt Nam giữ vị thế là "điểm đến đầu tư công nghệ cao", chuyển mình từ quốc gia chuyên gia công sang trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển quan trọng của nhiều tập đoàn lớn, điển hình là Apple, Nvidia, Samsung... Hệ sinh thái 295 công ty khởi nghiệp AI trong nước cũng bùng nổ gấp 5 lần suốt 4 năm qua.
![]() |
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia. Ảnh: NVCC |
Để phát huy toàn diện lợi thế nội tại, ông Đồng Mai Lâm đề xuất nên củng cố nguồn nhân sự chất lượng cao - mắt xích không thể thiếu trên chặng đường đưa Việt Nam trở thành "Trung tâm đổi mới AI" hàng đầu Đông Nam Á. Sẵn sàng cho thời kỳ chuyển giao, nhân lực hiện tại và tương lai cần trang bị nhiều kỹ năng thực tế.
"AI không chỉ mở ra kỷ nguyên đổi mới, cách mạng hóa các ngành công nghiệp, mà còn tác động đến thế hệ nhân sự tương lai - am hiểu về phát triển bền vững và làm chủ công nghệ, nhất là ba lĩnh vực trọng tâm ứng dụng mạnh mẽ AI gồm: số hóa, điện hóa và tự động hóa", ông Đồng Mai Lâm lý giải.
Cũng theo ông, các chương trình đào tạo công nghệ trong nước khá tiềm năng, góp phần nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ kỹ sư trẻ. Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu thị trường và trình độ nhân sự, cần đầu tư hai yếu tố chính: đào tạo chuyên sâu, giàu tính ứng dụng; hạ tầng phần cứng và môi trường thực tiễn để thành thạo thực hành.
Với vị thế tập đoàn dẫn đầu chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa, Schneider Electric đã, đang chia sẻ nhiều nguồn lực, đồng hành Việt Nam phát triển thế hệ nhân sự mới.
Đơn vị "bắt tay" các tổ chức, đối tác giáo dục triển khai chuỗi đào tạo nghề, hỗ trợ chuyên gia trong quá trình giảng dạy, đầu tư thiết bị công nghệ để sinh viên có cơ hội thực hành sáng tạo.
![]() |
Doanh nghiệp đề cao chiến lược giáo dục, đào tạo. Ảnh: Schneider Electric |
Mới đây, doanh nghiệp và Quỹ Schneider Electric khánh thành "Center of Excellence" (Phòng đào tạo xuất sắc, gọi tắt CoE) đầu tiên tại Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM). CoE trang bị không gian học tập khang trang, nhiều thiết bị mới, mô phỏng quy trình quản lý năng lượng và tự động hóa. Sinh viên dễ ứng dụng kiến thức vào đa lĩnh vực như: sản xuất thông minh, tòa nhà thông minh, năng lượng tái tạo...
Ngoài ra, công ty và Trường Đại học Bách khoa ký thỏa thuận tài trợ xây phòng thí nghiệm hệ thống năng lượng", trang bị các thiết bị từ Schneider Electric theo bốn mảng chính: tự động hóa công nghiệp; số hóa - giám sát hạ thế; số hóa - điều khiển trung thế; số hóa - điều khiển lưới điện.
GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, đánh giá cao cuộc hợp tác, giúp sinh viên có cơ hội học tập, thực hành trên thiết bị và giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới. Sự chuẩn bị bài bản phần nào đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong kỷ nguyên AI.
"Chúng tôi tin việc kết nối giữa đào tạo học thuật và nhu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp sẽ tạo bước tiến vượt bậc trong mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, tự động hóa", GS.TS Mai Thanh Phong nhận định.
![]() |
Schneider Electric ký hợp tác với khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa. Ảnh: Schneider Electric |
Đại diện Schneider Electric cam kết tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên 20 trường cao đẳng nghề trên toàn quốc phát huy năng lực. Cụ thể đến năm 2030, đơn vị định hướng đào tạo 45.000 sinh viên và 200 giảng viên mảng điện, tự động hóa, năng lượng tái tạo.
Riêng phòng thí nghiệm Trường Đại học Bách khoa sẽ đào tạo sinh viên theo ba giai đoạn: 300 người mỗi năm (2025-2026); 500 em mỗi năm (2026-2027); 1.000 người (2027-2029).
Ông Đồng Mai Lâm nhận định đầu tư vào con người là "chìa khóa" tăng tốc chuyển đổi số bền vững, sẵn sàng cho tương lai. Tiên phong ứng dụng công nghệ trong môi trường học thuật, Schneider Electric kỳ vọng giúp sinh viên vừa nắm vững kiến thức, vừa thực hành sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực và khả năng thích ứng.
"Chúng tôi hướng đến kiến tạo giá trị bền vững, thúc đẩy quá trình đào tạo thế hệ kỹ sư trẻ, cung cấp nguồn nhân lực mới cho kỷ nguyên thông minh tại Việt Nam", ông Đồng Mai Lâm nói thêm.
Thời gian tới, Schneider Electric triển khai loạt chương trình đào tạo kỹ năng mềm, bên cạnh kiến thức kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.
(Nguồn: Schneider Electric)