Mới nhất Cũ nhất
14h20 Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng "Chia lửa" với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá chính sách tiền tệ, tài khóa vừa qua đã được điều hành hiệu quả, hợp lý. Chính sách tiền tệ đã giữ được tỷ giá ngoại tệ, xử lý được hai ngân hàng 0 đồng. "Chúng ta chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng nữa, ổn định hệ thống", ông Phớc nói. Nhờ đó, năm nay GDP ước đạt gần 7%, CPI khoảng 3,88%, nợ công 37% GDP. Thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao và 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thu ngân sách tăng 255. 216 tỷ đồng so với năm trước, tức là năm nay có thể vượt năm ngoái 300.000 tỷ đồng. Số này dùng để đầu tư hạ tầng cơ sở như đường cao tốc và các công trình khác. 14h15 Ngân hàng sẵn sàng tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi cơn bão xảy ra, ngành ngân hàng đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động. 35 tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng với tổng giá trị là 405.000 tỷ đồng để cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng để cho vay mới. Còn việc cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ khi không còn tài sản đảm bảo, bà Hồng cho rằng hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các tổ chức tín dụng. "Các gói hỗ trợ cho thấy hệ thống ngân hàng sẵn sàng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân sau đợt bão lũ vừa qua", bà Hồng nói. Thống đốc mong muốn chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ để kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để có thêm thông tin cho các tổ chức tín dụng quyết định trong các trường hợp này. 14h10 Có những thời điểm điều hành chính sách tiền tệ 'rất căn cơ' Trả lời Phó trưởng ban công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết để đánh giá tác động quốc tế trong nước cái nào lớn hơn là rất khó, bởi các yếu tố nước ngoài và trong nước đều tác động, đặt ra thách thức lớn với chính sách tiền tệ.
![]() |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn chiều 11/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội Bà Hồng thông tin Covid-19 khiến nhiều ngân hàng trung ương các nước thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng cao, giá vọt đạt kỷ lục lịch sử... Ở trong nước, thị trường trái phiếu, bất động sản, sự cố rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB vào tháng 10/2022. "Có những thời điểm tác động cùng lúc với hoạt động ngân hàng, rất khó khăn. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chủ động ứng phó để ổn định tình hình", bà nói. Trong điều hành tiền tệ ba chỉ số quan trọng nhất là lãi suất, tỷ giá và tín dụng, theo Thống đốc. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các chỉ số này rất căn cơ. "Chúng tôi đặt an toàn hệ thống lên hàng đầu để xử lý và ổn định ngoại hối, lãi suất", bà nói thêm. 14h00 Đề nghị có chính sách với doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo vì bão Yagi Cuối phiên chất vấn buổi sáng, bà Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật nêu sau bão Yagi (bão số 3), nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh bị thiệt hại từ vài tỷ đến chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Bà Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật chất vấn, ngày 11/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội Bà Nhung đề nghị Thống đốc nêu cụ thể hơn giải pháp tiếp cận vay vốn với doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra, mà không còn tài sản đảm bảo. Ngoài ra, ngành ngân hàng có giải pháp gì để đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu về kiểm soát nợ xấu và tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn. Trong khi đó, Phó trưởng ban công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề cập trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn thì "cách nào để điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng?". Đồng thời bà cũng đề nghị Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước ứng phó chính sách trước thách thức về cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng ra sao?
Có 3 nội dung mới cập nhật
Sơn Hà - Viết Tuân - Hoài Thu