Doanh nghiệp của Ngân kinh doanh từ 2010, chuyên phân phối và cung cấp mặt hàng phụ kiện trang trí nhà cửa, trang trí tiệc và quà tặng cao cấp. Duy trì 10 năm, công ty gặp nhiều khó khăn, sức mua trực tiếp của khách hàng sụt giảm, chi phí thuê mặt bằng ngày càng tốn kém.
Giữa đà khó khăn, cô chọn "lên sàn" thương mại điện tử. Ngân chi 5-7 triệu đồng cho các lớp dạy bán hàng online, chủ yếu là học kỹ năng livestream, chụp ảnh sản phẩm. Gần nhất, khi AI nở rộ, cô cũng tìm tòi các công cụ giúp nâng cao khả năng tiếp cận người mua.
Sau một năm mở thêm mảng bán hàng online, doanh số dần khởi sắc. Năm 2021-2022, doanh thu tăng 60% cùng kỳ. Đến 2023, con số này tiếp tục tăng đến 80% trước khi mở kênh online, giúp doanh nghiệp "hồi sinh".
Doanh nghiệp của Ngân là một trong số hàng nghìn đơn vị, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tìm ra hướng tăng trưởng mới sau khi gia nhập kênh thương mại điện tử. Với lợi thế tiếp cận mọi lúc mọi nơi, sàn online giúp doanh nghiệp, đặc biệt nhóm SME mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sách trắng của Bộ Công Thương ghi nhận tăng trưởng trên thương mại điện tử trong năm 2024 so với năm 2022 là gần 50%, lên tới gần 600.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành tại Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới. Trước đó, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2023 trên 6.879 doanh nghiệp, có khoảng 65% doanh nghiệp triển khai bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok...
Ngoài doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể và nông dân cũng tích cực bắt sóng "bán hàng online". Ghi nhận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào tháng 12/2023 có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử, trong đó hơn 1,1 triệu hộ có doanh thu từ việc bán nông sản qua kênh này.
Đầu tháng 7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh cùng cộng sự đã bán hơn 54 tấn vải thiều Lục Ngạn chỉ trong 6 tiếng trong một buổi livestream. Đây là chương trình trong khuôn khổ Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - một phần kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
Trước đó, fanpage Làng Nghề Phú Xuyên Hà Nội - kênh thông tin thương mại của địa phương thường xuyên diễn ra các phiên livestream bán hàng đặc sản Phú Xuyên. Các hộ sản xuất tại các làng nghề nổi tiếng như giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, cơ khí Đại Thắng, thêu ren Đại Đồng... ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp 5-10 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ kênh online. Tổng doanh thu từ thương mại điện tử năm 2024 của Phú Xuyên đạt 1.010 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với 2023. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu thương mại điện tử đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Thương hiệu Bông Bạch Tuyết cũng được "hồi sinh" nhờ mở rộng kênh bán hàng sang thương mại điện tử, nổi bật là livestream. Chiến lược mang lại gần 100 tỷ đồng doanh thu mảng thương mại điện tử trong năm 2024 cho công ty. Hiện tại, kênh này chiếm 1/3 doanh số của thương hiệu trong năm ngoái.
![]() |
Một buổi tập huấn livestream tại xã Hoàng Long cũ (nay là xã Phượng Dực - Hà Nội). Ảnh: Làng Nghề Phú Xuyên Hà Nội |
Riêng trên TikTok Shop, kết thúc năm 2024, toàn nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng gấp 1,8 lần so với năm 2023, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn cho các nhà bán hàng. Trong đó, hệ thống TikTok Shop Mall có sự góp mặt của gần 2.400 thương hiệu và nhà phân phối chính hãng, chạm mốc tăng trưởng tới gần 3 lần so với năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng với hơn 1.600 nhà bán hàng chính hãng mới gia nhập.
"Vượt khó" trong cuộc chơi thương mại điện tử
Tiềm năng của việc "lên sàn" khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể nằm ngoài cuộc chơi. Tuy vậy, môi trường này chứa nhiều thách thức. Phần lớn chủ doanh nghiệp gặp khó trong việc sản xuất nội dung, xây dựng hình ảnh và làm chủ công nghệ. Nhiều người bối rối khi lần đầu tiên tập tành viết kịch bản livestream, làm video hoặc chụp ảnh sản phẩm. Những khái niệm mới mẻ như chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hay xây dựng chính sách giá ra sao cho mỗi nền tảng cũng là một vấn đề lớn với những người "tay ngang".
Dưới góc nhìn của TikTok Shop, xu hướng liên tục thay đổi nên nhà bán hàng, doanh nghiệp, KOL, KOC phải nhanh nhạy chủ động mở rộng năng lực cốt lõi, không ngừng học hỏi và thích ứng với các công cụ công nghệ, kỹ thuật bán hàng mới. Ngoài ra, người bán còn cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước và nguyên tắc quản lý của nền tảng.
![]() |
Một phiên livestream trên TikTok Shop. Ảnh: NVCC |
Ông Tuấn Nguyễn, Phó giám đốc điều hành của công ty commerceX - đơn vị cung cấp giải pháp về thương mại số cho doanh nghiệp, cho biết trong 2024 đã có hơn 165.000 nhà bán rời khỏi thị trường vì thua lỗ. Khi kinh doanh online, mỗi đơn hàng sẽ chịu một số loại phí hay đối mặt với sự cạnh tranh lớn, đến từ cả những đối thủ trong và ngoài nước.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp "cắp sách" đi học tại các đơn vị đào tạo hoặc khóa tập huấn của chính sàn thương mại điện tử. Theo các báo cáo từ Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan, mỗi năm có hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử.
Gần nhất, ngày 17/7, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các sàn thương mại điện tử và nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn triển khai chương trình kết nối, liên kết vùng, xuyên biên giới nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và chuyển đổi số tại các địa phương. Các hội nghị, chương trình đào tạo và sự kiện liên kết vùng đã được triển khai để nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử tại các tỉnh thành.
Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), hiện triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện các khóa chuyên sâu, tập trung bốn trụ cột: GoOnline - tăng hiện diện số; GoExport - kết nối trên sàn xuyên biên giới; GoAI - ứng dụng AI trong marketing; GoRight - cập nhật hệ thống pháp lý.
![]() |
Một buổi tập huấn về thương mại điện tử của commerceX cho các doanh nghiệp nhỏ tại Đà Lạt. Ảnh: commerceX |
Các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường hợp tác, tổ chức chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, tiểu thương, cá nhân, hướng đến mục tiêu "cho hàng Việt vươn mình". Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết đơn vị hiện tham gia chương trình GoOnline, hợp tác triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về khung pháp lý, quy định quản lý thuế, giải pháp quảng cáo số. Ngoài ra, kênh này cũng tham gia Hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống, hướng tới mục tiêu trang bị kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho 300.000 tiểu thương toàn quốc.
Ngoài kỹ năng, ông Tuấn Nguyễn lưu ý doanh nghiệp cần đầu tư bài bản, có bản sắc riêng, hiểu nhu cầu của khách hàng, R&D sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững.
Yên Chi