Mở cửa phiên giao dịch 9/4, cả ba chỉ số chính của Wall Street đều đi lên. S&P 500 tăng 1%. DJIA tăng 0,7%. Mạnh nhất là Nasdaq Composite với 1,9%.
Thị trường đi lên bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Ngày 9/4, thuế đối ứng với nhóm đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ có hiệu lực. 86 nền kinh tế bị áp thuế 11-84%. Riêng với Trung Quốc, tổng thuế bổ sung trong nhiệm kỳ của ông Trump đã lên 104%. Trung Quốc chiều tối nay cũng đáp trả bằng thuế 84% lên hàng nhập khẩu Mỹ.
Liên minh châu ÂU (EU) cũng vừa thông qua đòn đáp trả thuế nhôm, thép của Mỹ. Đây là lần đầu tiên khối này áp thuế trả đũa Washington.
CNBC cho rằng có thể nhà đầu tư cảm thấy lạc quan hơn sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại. Wall Street đánh giá cao vai trò của Bessent so với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hay Cố vấn thương mại Peter Navarro.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Wall Street mở cửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có bài đăng trấn an nhà đầu tư trên mạng xã hội Truth Social. Ông cho biết: "Hiện tại là thời điểm tuyệt vời để mua vào".
![]() |
Cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều đang tăng điểm. Đồ thị: Reuters |
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động lớn cả tuần qua, sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng. Sau vài phiên giảm liên tiếp, Wall Street mở cửa tăng mạnh trong phiên 8/4, nhưng chốt phiên lại quay đầu giảm khi Nhà Trắng khẳng định vẫn giữ nguyên lịch áp thuế. Chỉ số DJIA đã giảm 19% kể từ đỉnh gần nhất.
Ngoài Mỹ, chứng khoán Trung Quốc hôm nay cũng tăng điểm. Chốt phiên 9/4, Shanghai Composite tăng 1,3%. Hang Seng Index (Hong Kong) tăng 0,68%. Nhà đầu tư tại đây kỳ vọng giới chức tiếp tục bơm thêm vốn cho các công ty quốc doanh mua cổ phiếu để bình ổn thị trường.
Ngược lại, thị trường chứng khoán nhiều nước châu Á và châu Âu lại đi xuống. Nikkei 225 (Nhật Bản) đóng cửa giảm 3,9%. Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,7%. Chỉ số Stoxx 600 theo dõi cổ phiếu doanh nghiệp toàn khu vực châu Âu hiện giảm 2,8%.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)