![]() |
Đội cứu hộ gần một tòa nhà đổ sập do động đất ở Myanmar hôm 28/3. Ảnh: Reuters |
Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ chiều ngày 28/3 với tâm chấn nằm gần Sagaing, chỉ cách thành phố 16 km về phía tây bắc. Độ sâu của động đất được ghi nhận ở mức 10 km và rung chấn có thể cảm nhận rõ ở xa tới Bangkok, Thái Lan, khiến nhiều cư dân vội vã chạy ra đường trong cơn hoảng loạn. Nhà cửa rung lắc, nhiều bể bơi tràn nước. Dù chưa có báo cáo về số lượng thương vong ở Myanmar sau động đất, giới chuyên gia cảnh báo khả năng thiệt hại rất cao do có nhiều khu dân cư đông đúc dọc đường đứt gãy, theo India Today.
Lịch sử dữ dội của đứt gãy Sagaing
Sự kiện địa chấn hôm nay nêu bật tình trạng dễ bị ảnh hưởng bởi động đất của Myanmar, chủ yếu do vị trí nằm dọc đứt gãy Sagaing, một ranh giới kiến tạo lớn giữa mảng Ấn Độ và vi mảng Burma. Đứt gãy này chạy dài khoảng 1.200 km xuyên qua đất nước và có lịch sử hoạt động địa chấn mạnh. Độ phức tạp địa chất của khu vực bắt nguồn từ va chạm liên tục của các mảng kiến tạo, làm tăng khả năng động đất.
Đứt gãy Sagaing liên quan tới một số trận động đất trong quá khứ, bao gồm trận động đất mạnh 7,7 độ năm 1946 và 6,8 độ năm 2012, hé lộ độ nhạy cảm với địa chấn của khu vực. Đứt gãy Sagaing là loại đứt gãy mà tại đó hai khối đất di chuyển ngang qua nhau. Các nhà khoa học nghiên cứu chuyển động này xảy ra nhanh tới mức nào và đưa ra ước tính từ 11 tới 18 mm mỗi năm.
Kết quả nghiên cứu xác nhận do đứt gãy luôn luôn dịch chuyển, áp lực tích tụ theo thời gian. Khi áp lực này được giải phóng đột ngột, nó gây ra động đất. Tốc độ trượt đo được (lên tới 18 mm mỗi năm) chỉ ra chuyển động lớn, nghĩa là có nhiều năng lượng được lưu trữ hơn và có thể giải phóng dưới dạng một trận động đất mạnh.
Trong khi nhà chức trách đang đánh giá tình huống và thu thập thông tin về tác động có thể xảy ra, trận động đất mới nhất cho thấy Myanmar dễ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện như vậy. Với đường đứt gãy đang hoạt động và lịch sử các sự kiện địa chấn mạnh trước đây, công tác chuẩn bị và ứng phó đóng vai trò chủ chốt giúp bảo vệ an toàn cộng đồng ở vùng động đất này.
An Khang (Theo India Today)