![]() |
Con mực khổng lồ mới lớn bơi ở vùng biển tối tăm gần quần đảo South Sandwich. Video: Viện Schmidt |
Mực khổng lồ, một trong những loài động vật khó gặp nhất trong tự nhiên và là loài mực lớn nhất thế giới, được nhận dạng lần đầu tiên cách đây 100 năm, sử dụng phần xác tìm thấy trong dạ dày cá nhà táng. Hiện nay, lần đầu tiên một con mực khổng lồ sống được ghi hình trong môi trường tự nhiên ở đại dương. Hôm 9/3, tàu nghiên cứu Falkor của Viện Hải dương Schmidt tại Mỹ thám hiểm vùng biển lạnh lẽo gần quần đảo South Sandwich phía nam Đại tây Dương, trong chương trình khám phá sinh vật biển quốc tế. Hôm đó, khi họ triển khai tàu lặn điều khiển từ xa tới độ sâu gần 610 m, con mực khổng lồ đột nhiên bơi dạt qua camera của tàu lặn, theo National Geographic.
Sau khi đảm bảo kiểm chứng thước phim với hàng loạt chuyên gia trên tàu nghiên cứu và ở nơi khác, các nhà khoa học rút ra kết luận. "Đây là thước phim được xác nhận đầu tiên về mực khổng lồ trong môi trường sống dưới biển sâu", Kat Bolstad, chuyên gia về mực ở Đại học Công nghệ Auckland, khẳng định. Loài vật này ước tính có thể dài tới 7 m hoặc hơn và nặng khoảng 454 kg, nhưng con mực khổng lồ trong video không dài quá 0,3 m. Theo nhà khoa học Aaron Evans, chuyên gia về mực kính, nó không phải là con non. Dựa theo giai đoạn phát triển những đặc điểm hình thái, ông và cộng sự cho rằng đó là con mực mới lớn.
Cho tới nay, tất cả hiểu biết về mực khổng lồ được xâu chuỗi từ mẫu vật trong dạ dày cá nhà táng và vài xác mực khổng lồ mà ngư dân tình cờ đánh bắt. Sau khi camera ghi hình một cá thể, giới nghiên cứu có thể kiểm tra vài giả thuyết về hành vi và sinh học của loài này.
Mực khổng lồ thuộc họ Cranchiidae, thường được gọi là "mực thủy tinh". Sống ở vùng chạng vạng có ánh sáng mờ, chúng có vẻ trong suốt, giúp lẩn tránh động vật ăn thịt và phục kích con mồi. Đó là nhờ tế bào sắc tố (chromatophore). Bất kỳ bộ phận cơ thể đục màu nào bị che khuất bởi cơ quan ánh sáng gọi là photophore, có thể phát sáng theo lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống từ mặt biển.
Mực khổng lồ là loài bí ẩn nhất trong số 60 loài mực thủy tinh đã biết. Chúng được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 khi nhà sinh vật học hải dương James Erik Hamilton tìm thấy hai đầu cánh tay trong dạ dày cá nhà táng gần quần đảo Shetland. Mẫu vật được mang về Bảo tàng Anh ở London và xác nhận là loài mới cùng năm đó. Năm 1981, tàu cá Eureka của Liên Xô kéo một con mực khổng lồ dài gần 5,2 m vào lưới. Mẫu vật chết nhanh chóng và chưa hoàn toàn trưởng thành. Năm 2003, một con mực khổng lồ chết trôi dạt ngoài khơi vùng ven biển phía nam New Zealand, dài 6 m.
Thước phim một con mực khổng lồ còn sống bị mắc vào lưới đánh cá xuất hiện vào năm 2005, từ tàu ở vùng biển nam Đại tây Dương. Năm 2007, mẫu vật sống khác tình cờ bị bắt bởi tàu đánh cá và chết do bị thương ở biển Ross gần Nam Cực. Nó là mực trưởng thành đã lớn hoàn toàn, dài 9,1 m.
Dù chưa bao giờ được xác nhận trong môi trường tự nhiên là vùng biển sâu quanh Nam Cực và Nam Đại Dương, số mẫu vật hầu như nguyên vẹn này cho phép giới khoa học thu thập một số thông tin thực tế quan trọng về mực khổng lồ. Chúng dường như săn các loài cá lớn gần Nam Cực, bao gồm cá mú Chile và những loài mực khác, sử dụng bộ xúc tu độc đáo. Mỗi cái trong số 8 cánh tay phủ đầy giác hút có hai cặp móc lớn bất động dọc theo chiều dài, hai xúc tu dài nhất có móc có thể xoay tròn ở cuối.
Mực khổng lồ không phải động vật săn mồi đầu bảng. Hải cẩu voi, chim cánh cụt và nhiều loài cá khác ăn con non chưa trưởng thành trong khi cá nhà táng và cá mập sleeper ăn cá thể ít tuổi và mực trưởng thành. Sở hữu đôi mắt lớn nhất hành tinh, mực khổng lồ có thể phát hiện động vật ăn thịt lớn cỡ cá voi từ khoảng cách lớn.
Bất kỳ tàu lặn nào tìm cách phát hiện mực khổng lồ đều đối đầu thử thách lớn. Nhờ đôi mắt đồ sộ và bản tính cảnh giác, chúng sẽ tích cực lẩn tránh con người. Hồi tháng 3, các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu hạ thủy SuBastian, tàu lặn robot dưới nước có thể xuống tới độ sâu gần 4,8 km. Điều khiển thông qua dây nối và trang bị hệ thống ánh sáng thấp giúp che giấu phương tiện, tàu lặn ghi hình thành công con mực khổng lồ mới lớn.
Thước phim vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng nhưng các nhà khoa học đã xác nhận một số giả thuyết về mực khổng lồ. Họ có thể trông thấy tế bào sắc tố trên con mực. Điều đó có nghĩa nó gần như chắc chắn có thể chuyển đổi qua lại giữa trạng thái trong suốt hoàn toàn và đục mờ.
An Khang (Theo National Geographic)