Không giống như đám đông kỷ luật thường thức dậy lúc 5 giờ sáng, đến phòng tập thể dục và tuân theo lịch trình dày đặc, những "người chuột" sống chậm rãi.
Theo SCMP, thuật ngữ này bắt nguồn từ một video trên mạng hồi cuối tháng 2. Trong đó, một phụ nữ trẻ ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, chia sẻ về một ngày cực kỳ uể oải của mình. Cô ấy nằm trên giường ba tiếng sau khi thức dậy, rửa mặt, rồi ngủ thêm 5 tiếng nữa.
"Tôi từ chối cảm thấy xấu hổ vì phụ thuộc. Tôi đại diện cho những người chuột", cô ấy đăng.
Nhiều người khác đồng tình. "Bạn vẫn còn quá nhiều năng lượng đối với tôi", một người bình luận viết. "Tôi nằm trên giường từ lúc thức dậy và đi vệ sinh cho đến khi phải ăn, sau đó tôi đứng dậy để ăn rồi lại nằm xuống. Tôi có thể sống như thế này trong một tuần mà không cần ra ngoài".
Một người khác nói thêm: "Trời ạ, tôi nghĩ mình còn là một con chuột hơn cả blogger. Tôi chỉ ăn một bữa một ngày và dành phần thời gian còn lại để nằm".
Xu hướng này phổ biến ở thế hệ Millennials và Gen Z, đặc biệt là nhóm thất nghiệp, và được xem là biến thể cực đoan của trào lưu "nằm yên" (lying flat), phản kháng văn hóa làm việc "996" (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần).
Nhưng nếu "nằm yên" là chọn sống chậm, tạm dừng cuộc đua công việc, thì "người chuột" là rút lui hoàn toàn khỏi guồng quay xã hội. Mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện hàng loạt video về "người chuột" như "Ngày thứ 83 nằm dài trong phòng" hay "Một ngày làm người chuột: ăn một mình, đặt đồ ăn mọi bữa"..., thu hút cả triệu lượt xem.
Trên Fortune, chuyên gia hướng nghiệp Advita Patel nhìn nhận đây như cuộc phản kháng thầm lặng của những người trẻ trước tình trạng kiệt sức, vỡ mộng và thị trường việc làm vừa gây khó chịu vừa không hấp dẫn.
Trong khi đó, họ là thế hệ đầu tiên có đủ sự hỗ trợ từ gia đình để có thể tạm thời "lùi lại", theo Ophenia Liang, giám đốc công ty tiếp thị Digital Crew chuyên về thị trường châu Á.
Còn Eric Fu, chuyên gia Tổ chức Nghiên cứu Thanh niên của Đại học Melbourne, Australia, cho rằng trào lưu này không nhất thiết là tiêu cực.
"Họ thuộc diện có điều kiện, có đặc quyền được sống như vậy, nhưng không có nghĩa là họ muốn sống vô nghĩa. Có thể họ chỉ đang tạm nghỉ ngơi".
Sự thịnh hành của thuật ngữ "người chuột" trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tại Trung Quốc, hồi tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong nhóm 16 - 24 tuổi là 16,5%. Chính phủ nước này đã công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế, khuyến khích cân bằng công việc - cuộc sống, triển khai nhiều chương trình thực tập, đào tạo nghề, và trợ cấp cho doanh nghiệp thuê lao động trẻ.
Thanh Thư (Theo Business Insider, Newsweek)