Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến thăm và giao lưu với sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) ngày 27/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.
Tại đây, ông Macron nhấn mạnh nhân loại đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về địa chính trị, khí hậu, khoa học công nghệ và nhân khẩu học.
Ông cho rằng biến đổi khí hậu đang là thách thức chung. Sinh viên cần nỗ lực từ bây giờ để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Ông đưa ra nhiều câu hỏi như "Làm thế nào để giảm phát thải CO2, có biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khi Trái Đất đang nóng lên, khi chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào carbon?", "Làm sao để giữ gìn sự đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái?", "Làm thế nào để vừa bảo đảm được nền kinh tế phát triển mà vẫn bảo vệ được môi trường?".
Tự trả lời, Tổng thống Pháp cho rằng các nước phải hợp tác với nhau.
![]() |
Về khoa học công nghệ, ông nói trí tuệ nhân tạo - AI đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong khoảng hai năm trở lại đây, và hỗ trợ con người rất nhiều trong sản xuất, sinh hoạt, công việc. Việc cần làm là không biến AI thành mối đe dọa tới sự độc lập, tự chủ của con người.
"AI không thể thay thế con người", ông nói, cho rằng phải làm sao làm chủ được AI, không để chúng làm rối loạn, biến động, mất cân bằng cuộc sống.
Hiện, Pháp có những dự án nghiên cứu riêng về AI và đang muốn phát triển những trung tâm dữ liệu, công nghệ AI mạnh nhất. Ông cho biết Pháp sẽ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này để cùng nhau phát triển.
Xoay quanh những chuyển đổi về nhân khẩu học, ông cho rằng Việt Nam vẫn thuộc nhóm dân số trẻ. Thách thức đặt ra với nhóm này là phải củng cố hệ thống giáo dục đào tạo.
"Thanh niên bước chân vào thị trường lao động mà không được đào tạo, tay nghề không có thì sẽ là mối đe doạ rất lớn với nền kinh tế các nước", ông Macron nói.
Vì vậy, Pháp cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo cho Việt Nam ở hệ cử nhân và các bậc học cao hơn.
![]() |
Tại Việt Nam, hiện có 3 cơ sở đào tạo đại học Pháp - Việt, bao gồm Trung tâm đào tạo về quản lý Pháp - Việt (CFVG); Chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) và trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đây là những mô hình được đánh giá thành công, đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Pháp và quốc tế.
Tính đến nay, có khoảng 15.000 kỹ sư được đào tạo tại Pháp hoặc trong các chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam. Hợp tác y tế Pháp - Việt góp phần đào tạo khoảng 3.000 bác sĩ, cán bộ y tế. Với ngành Luật, con số cũng lên đến hàng nghìn.
Ông Macron cho biết đến năm 2030, Pháp sẽ tăng gấp đôi số chương trình trao đổi cũng như số sinh viên, học sinh trao đổi giữa Việt Nam và Pháp. Việc này dựa trên sự hợp tác từ trước đến nay của hai nước.
Nguyễn Ngọc Minh Tâm, nghiên cứu sinh tại USTH, cho biết có thêm nhiều góc nhìn từ bài chia sẻ của Tổng thống Macron. Tâm đã đặt một câu hỏi về việc sử dụng dữ liệu mở trong bối cảnh AI phát triển và được Tổng thống phản hồi.
![]() |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi giao lưu với sinh viên USTH. Ảnh: Giang Huy
![]() |
Tổng thống Pháp trong buổi giao lưu với sinh viên USTH, ngày 27/5. Ảnh: Giang Huy |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi giao lưu với sinh viên USTH. Ảnh: Giang Huy
![]() |
Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Minh Tâm đặt câu hỏi giao lưu với Tổng thống Pháp. Ảnh: Giang Huy |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi giao lưu với sinh viên USTH. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973, trở thành Đối tác Chiến lược vào năm 2013 và Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 10/2024. Pháp là nước EU đầu tiên có quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân diễn ra ngày 25-27/5. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Macron kể từ khi nhậm chức.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (hay trường Đại học Việt - Pháp) được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước.
Trường trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ về đào tạo và nghiên cứu của liên minh hơn 30 đại học, tổ chức nghiên cứu uy tín ở Pháp.
Hiện, USTH có 20 chương trình đại học, trong đó có 3 chương trình liên kết song bằng Việt - Pháp; 6 chương trình thạc sĩ song bằng; 7 chương trình tiến sĩ toàn thời gian tại trường và các chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ với đối tác Pháp. Tất cả tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế mạnh đào tạo, nghiên cứu của Pháp.
Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, USTH là một trong ba cơ sở được định vị là "trường đại học quốc tế xuất sắc".
Dương Tâm