Trần Ngọc Vân Anh, lớp 12E, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, kể vỡ òa khi nhận tin giành học bổng Chính phủ Trung Quốc vào Đại học Bắc Kinh và học bổng của Đại học Thanh Hoa, hôm 15/7.
"Mẹ em nhảy lên ăn mừng, đi khoe khắp họ hàng. Còn em háo hức với hành trình 4 năm sắp tới", nữ sinh kể.
Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh là hai trường hàng đầu ở Trung Quốc, lần lượt xếp thứ 12 và 13 thế giới, theo bảng xếp hạng THE 2025. Ngoài ra, Vân Anh cũng đỗ học bổng của Đại học Trùng Khánh - ngôi trường trong nhóm được đầu tư trọng điểm của nước này.
Em cho biết chọn học ngành Quảng cáo ở Đại học Bắc Kinh vì được học bổng toàn phần và yêu thích nét cổ kính của trường.
![]() |
Trần Ngọc Vân Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vân Anh kể bén duyên với tiếng Trung qua những bài hát và bộ phim từ năm lớp 8, khi còn là học sinh trường THCS Nghĩa Tân. Dần dần, em hiểu được một số câu đơn giản, nhận ra có thể học một ngôn ngữ mới bằng cách này.
Vì muốn xem phim, nghe nhạc tiếng Trung không cần phụ đề, Vân Anh đi học ở trung tâm trong ba tháng, sau đó tự luyện. Nữ sinh nhìn nhận ngữ pháp tiếng Trung khá tương đồng với tiếng Việt, nhưng chữ viết khó hơn vì nhiều nét.
"Em phải luyện thường xuyên và học qua bộ thủ, phân tích xem tại sao các bộ này lại ghép thành một chữ có ý nghĩa", Vân Anh nhớ lại.
Vì học với mục đích giải trí, nữ sinh thấy vui và hào hứng. Em chuyển các ứng dụng trên điện thoại sang tiếng Trung, nghe podcast, xem các chương trình truyền hình, tin tức bằng ngôn ngữ này.
Vân Anh cho hay ban đầu gia đình định hướng em thi chuyên Anh khi vào cấp 3 nhưng sau một thời gian ôn luyện, em nhận thấy ít có khả năng đỗ nên chuyển sang tiếng Trung.
"Em chỉ có một năm để tập trung cho ngôn ngữ này nên đắn đo. Cuối cùng, em quyết định liều", nữ sinh nhớ lại. Cuối lớp 8, Vân Anh bắt đầu đi học thêm. Vào năm lớp 9, ngoài ba môn điều kiện, em dành 2-3 tiếng mỗi tối để luyện đề môn tiếng Trung, xem phim, đọc sách để học thêm các cấu trúc mới. Năm 2022, nữ sinh đỗ vào lớp 10 chuyên tiếng Trung với 34,31/40 điểm.
Vân Anh kể từng nghĩ đến du học hồi lớp 10 nhưng chưa chắc chắn về dự định này. Tới năm lớp 11, khi được các anh, chị khóa trên trúng tuyển Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh truyền cảm hứng, nữ sinh mới bắt tay vào thực hiện mục tiêu này.
Theo Vân Anh, em dành cả năm đó để tập trung học tiếng Trung, thi các chứng chỉ và tham gia nhiều cuộc thi để làm nổi bật hồ sơ. Nữ sinh duy trì điểm trung bình học tập từ 9,5 trở lên; đạt IELTS 7.5; chứng chỉ Hán ngữ quốc tế (HSK) 250/300 điểm; giành giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung; huy chương vàng kỳ thi chọn học sinh giỏi vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ và giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Trung do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Khi nộp hồ sơ vào các trường ở Trung Quốc, theo nữ sinh, ngoài thành tích học tập, giải thưởng, ứng viên cần có kế hoạch học tập, giới thiệu bản thân, giải thích lý do chọn ngành, chọn trường và dự định trong bốn năm đại học.
Ở bản kế hoạch gửi đến Đại học Bắc Kinh, Vân Anh kể cơ duyên với tiếng Trung đã mở ra cho em cơ hội vào trường chuyên và tham gia nhiều cuộc thi. Em chọn ngành Quảng cáo vì hứng thú với các hoạt động truyền thông khi tham gia ngoại khóa ở trường. Nữ sinh cũng nêu cụ thể kế hoạch học, thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm cùng sinh viên ở trường để giao lưu và kết bạn.
Ba tháng sau, em vào vòng phỏng vấn với 5 giám khảo. Trường không cho phép tiết lộ nội dung. Theo Vân Anh, nhìn chung các giám khảo hỏi một số thông tin cá nhân, nhằm kiểm tra khả năng nói tiếng Trung và để hiểu hơn về ứng viên. Nhờ luyện tập kỹ ở nhà, nữ sinh trình bày suôn sẻ.
Trong khi đó, vòng phỏng vấn của Đại học Thanh Hoa khiến Vân Anh bất ngờ. Em cho hay ứng tuyển vào ngành Kinh tế, song không nghĩ sẽ được hỏi quá sâu về chuyên ngành. Vân Anh bối rối với những câu hỏi về khái niệm xác suất, ứng dụng của chúng trong đời sống hay các kiến thức Toán, Lý.
"Em mất thời gian để nghĩ câu trả lời và cố gắng giải thích các thuật ngữ trong hiểu biết của mình", nữ sinh kể.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 12E, kiêm phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tiếng Trung của trường, cho biết đã đồng hành với Vân Anh từ năm lớp 10. Cô đánh giá học trò có nền tảng tốt khi là thủ khoa đầu vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Trong quá trình học, kết quả của em cũng luôn trong top đầu.
"Vân Anh giỏi, có khả năng tự học tốt nhưng khiêm tốn, giản dị và chu đáo. Tôi luôn tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho em ấy", cô Hà cho hay.
Từ kinh nghiệm của mình, Vân Anh cho rằng để chinh phục các trường top, ứng viên cần duy trì thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và giải thưởng trong các cuộc thi. Ngoài tiếng Trung, học sinh nên biết thêm một thứ tiếng nữa để gây ấn tượng với ban tuyển sinh.
Cuối tháng 8, Vân Anh sẽ sang Trung Quốc, bắt đầu hành trình du học. Em hiện trau dồi kỹ năng nói thông qua AI, xem trước chương trình và đọc tài liệu liên quan chuyên ngành đã chọn.
Bình Minh