Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/5 trả lời VnExpress như trên.
Theo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn do Bộ ban hành tuần trước, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu đăng ký xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình.
Tổng điểm các môn phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ 24/30 với tổ hợp ba môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán đạt ít nhất 80% thang điểm, tương đương 8/10.
Nếu dùng phương thức xét tuyển khác, điểm trúng tuyển quy đổi phải tương đương.
Danh sách ngành đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn
Ông Dũng cho biết chuẩn chỉ áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" theo quyết định 1017 của Thủ tướng. Những trường không tham gia không bắt buộc phải tuyển học sinh đạt điều kiện như trên.
Quyết định trên nêu danh sách 18 đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn. Tuy nhiên, danh sách này có thể được điều chỉnh tùy theo điều kiện thực tế.
Theo ông Dũng, tất cả trường có ngành về vi mạch bán dẫn đáp ứng chuẩn đào tạo đều có thể nộp hồ sơ đề xuất tham gia chương trình.
"Đồng thời, 18 trường trên, nếu không làm chương trình đạt chuẩn, sẽ không có tên trong danh sách", ông Dũng nói. "Bộ sẽ công khai danh sách các trường được phê duyệt tham gia chương trình".
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù về hỗ trợ tài chính cho người học các ngành về vi mạch bán dẫn ở các trường tham gia chương trình, gồm: học bổng, miễn, giảm học phí. Giảng viên cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ, được tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, ưu tiên xét chọn các đề xuất nghiên cứu khoa học...
![]() |
Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Về yêu cầu điểm số môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên khi tuyển sinh, ông Dũng cho hay hội đồng tư vấn chuyên môn nhận thấy đây là yếu tố giúp học sinh có thể học tốt ngành vi mạch bán dẫn và STEM, vốn liên quan kiến thức về Toán.
Bộ đã khảo sát kết quả học tập của học sinh THPT, cũng như đánh giá kết quả học tập của sinh viên khi vào học các ngành liên quan vi mạch bán dẫn.
"Khảo sát đánh giá cho thấy ở khoảng 8 điểm Toán, các em có thể phát huy tốt trong quá trình học tập", ông nói. "Vì thế hội đồng tư vấn đề xuất chuẩn đầu vào môn Toán từ 8 điểm trở lên".
Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, được Chính phủ thông qua ngày 21/9/2024. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Đây là đội ngũ nhân lực chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch; từng bước nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn.
Dương Tâm