Nguyễn Mạnh Dương, 22 tuổi, quê Hà Nội, vừa hoàn thành chương trình ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm toàn khóa (CPA) 3.94/4, loại xuất sắc. Hàng năm, chỉ khoảng 7-8% sinh viên Bách khoa tốt nghiệp loại này (3.6/4 trở lên), rất ít sinh viên đạt trên 3.9 như Dương.
Dù chưa nhận bằng tốt nghiệp, từ tháng 3, Dương đã nhận thư báo trúng tuyển bậc tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của Đại học Illinois Urbana - Champaign với khoản hỗ trợ toàn phần trị giá khoảng 9,8 tỷ đồng cho 5 năm. Ngôi trường này xếp hạng 33 ở Mỹ, theo US News & World Report. Tính riêng ngành Khoa học máy tính, trường trong top 5.
Từ chàng trai chuyên Hóa của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, đến khi là sinh viên Bách khoa, Dương nói chưa từng nghĩ đến chuyện du học và theo đuổi con đường nghiên cứu.
"Tất cả đến như cái duyên", Dương nói.
![]() |
Nguyễn Mạnh Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Dương vào đại học năm 2021. Thời điểm đó, Trí tuệ nhân tạo - AI là ngành mới, chưa được chú ý nhiều ở Việt Nam. Nhưng khi tìm hiểu, Dương thấy đây là con đường đầy triển vọng. Vì vậy, Dương quyết định rẽ hướng.
Vừa đủ điểm đỗ Bách khoa theo phương thức xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn với giải nhì khoa học kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Hóa học, Dương có phần tự ti khi xung quanh rất nhiều bạn giỏi, có nền tảng Toán, Tin, phù hợp hơn với ngành học. Nhưng đó cũng là động lực để Dương đặt mục tiêu hiểu biết nhiều nhất về AI.
"Mình không học để thi lấy thành tích mà luôn nghĩ phải học để hiểu", Dương nói. Nam sinh cố gắng tìm tòi bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời, từ đó hiểu sâu bản chất và mở rộng vấn đề.
Cách học trên mang lại cho Dương điểm A, A+ ở hầu hết môn, ngay cả những môn Dương đánh giá khó nhất như Giải tích, Xác suất thống kê, từ đó duy trì điểm số ở mức trên 3.8/4 ngay từ năm đầu.
Dương còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, từng là phó chủ nhiệm câu lạc bộ tổ chức chương trình và sự kiện của trường. Đầu năm hai, Dương tham dự cuộc thi "Mr&Miss Bách khoa" và giành ngôi nam vương.
Đến kỳ II năm hai, Dương đi thực tập vị trí kỹ sư AI ở doanh nghiệp. Thử sức một thời gian, Dương thấy không hợp bởi không được tìm tòi nhiều thứ mới.
"Lúc đó, dù điểm ở trường trong top đầu, mình đã rất mông lung. Làm ở doanh nghiệp không hợp mà theo hướng nghiên cứu thì mình thấy chưa đủ khả năng", Dương nhớ lại.
Phân vân một thời gian, đầu năm ba, Dương quyết định tìm hiểu phòng thí nghiệm (lab) AIoT của trường để thử hướng nghiên cứu. Vì đã hết hạn nộp đơn, Dương email bày tỏ nguyện vọng với PGS.TS Nguyễn Phi Lê, khi đó phụ trách lab, hiện là người điều hành Viện nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE). Dương được nhận sau buổi phỏng vấn trực tiếp.
Nghiên cứu khoa học, với Dương, khó hơn việc học ở trường bởi có nhiều kiến thức mới, buộc người làm phải đọc rất nhiều. Chưa kể, lĩnh vực AI thay đổi từng ngày. Nhưng sau 3-4 tháng, Dương dần quen, nhờ sự chỉ dẫn tận tình từ cô Lê và các anh chị đi trước trong lab.
"Cô chỉ dẫn rất tận tình, từ cách đọc một bài nghiên cứu, đến những kiến thức mà có lẽ nếu đi một mình sẽ phải mất hàng năm mới có được", Dương kể.
Cũng nhờ nghiên cứu trong tập thể AIoT Lab, Dương có cơ hội làm việc với nhiều thầy cô, chuyên gia, nhận được nhiều lời khuyên, định hướng để tìm được hướng đi phù hợp.
Tập trung hai lĩnh vực là học liên kết (Federated Learning) và AI trong y tế (Medical AI), Dương là tác giả chính hoặc đồng tác giả của 7 công bố tại các hội thảo quốc tế uy tín, trong đó có bài công bố tại ICCV - hội nghị uy tín bậc nhất thế giới về thị giác máy tính. Đến cuối năm ba, Dương bắt đầu nghĩ tới du học.
Dự định năm sau mới apply để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng hồ sơ nên năm nay, Dương nộp duy nhất vào trường Đại học Illinois Urbana - Champaign. Tiêu chí lựa chọn là "trường top 5 Mỹ về Khoa học máy tính" và "có phòng thí nghiệm về Medical AI". Khi tham gia một dự án hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và VinUni cùng lab, Dương cũng đã được gặp gỡ một số giảng viên của Illinois Urbana - Champaign.
Dương chuẩn bị hồ sơ trong khoảng 3 tuần, gồm bảng điểm, thành tích nghiên cứu, thư giới thiệu, cùng thư động lực, nêu rõ lý do chọn ngành và mong muốn khi tới Mỹ. Với thư giới thiệu, nam sinh xin được của ba thầy cô cả trong nước và ở Mỹ - những người từng giúp đỡ Dương vượt qua nhiều thử thách trong nghiên cứu.
"Nhận thông báo trúng tuyển, mình như vỡ òa vì thực sự không tự tin lắm. Quá trình nghiên cứu của mình muộn hơn rất nhiều bạn", Dương nói.
![]() |
Dương khi tham gia cuộc thi "Mr&Miss Bách khoa" năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cô Nguyễn Phi Lê cho biết Dương là một trong ba sinh viên của AIoT Lab giành học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Mỹ khi chưa tốt nghiệp đại học trong năm nay.
"Bạn là sinh viên toàn diện cả về tư duy logic, khả năng nghiên cứu và kỹ năng mềm", cô Lê nói. "Những gì đạt được đã chứng minh sự xuất sắc của bạn".
Dương sẽ sang Mỹ vào tháng sau, trước thời điểm nhận bằng cử nhân một tháng. Hiện, nam sinh nghiên cứu tại AIoT Lab, trang bị kiến thức về kinh tế - xã hội để có thêm nhiều góc nhìn khi sang Mỹ.
"Mình hy vọng có những công bố hợp tác với lab của Bách khoa trong thời gian học tập tại Mỹ", Dương nói.
Dương Tâm