Bùi Hoàng Vinh, 23 tuổi, quê Thái Bình, nhận bằng tốt nghiệp hôm 23/5. Với danh hiệu thủ khoa toàn khóa sau 4,5 năm học, nam sinh đại diện cho gần 900 tân kỹ sư phát biểu trong lễ tốt nghiệp.
"Mình có phần bất ngờ, bởi những bạn cùng nhóm học tập với mình đều đạt điểm rất cao", Vinh nói.
![]() |
Bùi Hoàng Vinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vinh xác định theo khối ngành công nghệ, kỹ thuật từ khi còn là học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh ở thành phố Thái Bình. Có anh trai học lập trình, thấy nhiều công việc liên quan đòi hỏi sáng tạo, Vinh cũng chọn theo.
Năm 2020, đạt 27,3 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) thi tốt nghiệp THPT, Vinh trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của PTIT, bắt đầu chặng đường học tập mới.
Vinh nói thấy mông lung ngày mới nhập học, khi thấy xung quanh toàn bạn giỏi, thường đứng trong top đầu ở trường THPT. Chương trình học lại khó nhằn, "đúng như lời đồn" với cả chương sách trong một buổi. Về nhà không chỉ phải đọc lại nội dung học hôm đó, Vinh còn phải đọc cả chương sau để chuẩn bị cho buổi tiếp theo.
"Lúc đó, mình vẫn duy trì cách học độc lập như hồi cấp ba. Dù hơi choáng trước khối lượng kiến thức, mình cố tự học, tìm bài tập nâng cao để làm", Vinh nhớ lại.
Thế nhưng đến kỳ I năm thứ ba, khi bắt đầu học chuyên ngành, Vinh nhận ra làm như vậy không hiệu quả. Bài tập chủ yếu là dạng dự án, phải nắm vững nhiều khía cạnh mới có thể làm tốt, trong khi Vinh chỉ quen làm phần logic như xử lý back-end mà chưa nắm rõ các vấn đề khác về giao diện, triển khai hệ thống.
Vinh nghĩ cần có bạn đồng hành nên vào website lập trình của khoa, xem thứ hạng điểm số, rồi nhắn tin cho bạn ở hạng cao nhất, rủ học cùng. Sau đó, nhóm mở rộng với nhiều bạn hơn.
"Lúc đầu, nhóm cãi nhau suốt, do chưa quen nên không hiểu ý nhau, ghép việc rất khó", Vinh kể. "Dần dần, chúng mình giải quyết việc, phân việc dễ dàng hơn và cùng nhau học tốt lên".
![]() |
Vinh và các bạn trong nhóm học tập tại lễ tốt nghiệp ngày 23/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Kỳ II năm thứ ba, Vinh đi làm ở một công ty về lập trình web. Do làm bán thời gian, Vinh gặp một số bất lợi khi phải làm việc không đúng thế mạnh. Nam sinh được bạn cùng nhóm khuyên ứng tuyển vào chương trình thực tập sinh tài năng của Viettel, lĩnh vực Cloud (điện toán đám mây). Vinh đã rất đắn đo, không biết có nên bỏ ngang công việc đang làm để bước vào một lĩnh vực mới.
"Bước khỏi vùng an toàn, mình sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nhưng mình rất sợ mình đứng núi này trông núi nọ rồi hỏng cả hai", Vinh nói.
Tâm sự với thầy hướng dẫn, Vinh được thầy khuyên thử bởi Cloud rất tiềm năng và vẫn có thể tận dụng kiến thức về lập trình web. Có sự ủng hộ của thầy và các bạn, Vinh quyết định ôn luyện để ứng tuyển.
Thời điểm đó là đầu năm thứ tư. Vừa học chuyên ngành với nhiều kiến thức khó, lại rục rịch làm đồ án, rồi ôn luyện vào Viettel, Vinh thấy áp lực nhất kể từ khi vào đại học. Nhưng rồi, Vinh đều vượt qua.
Vinh là một trong 15 sinh viên xuất sắc cả nước được vào chương trình thực tập tài năng lĩnh vực Cloud. Sau 6 tháng đào tạo chuyên sâu và làm dự án thực tế, Vinh được nhận làm nhân viên chính thức, từ tháng 10 năm ngoái.
Nhờ mối quan hệ với đồng nghiệp tại công ty, Vinh cùng một số bạn mời họ đến trường chia sẻ về nghề nghiệp với sinh viên khóa dưới. Hoạt động này đã diễn ra được 8 buổi, nhận được hưởng ứng từ trường.
Ngoài ra, Vinh đạt 9,6 điểm đồ án tốt nghiệp, nằm trong top 10 sinh viên có đồ án xuất sắc toàn khóa.
Quá trình học, Vinh còn tham gia vào các dự án của thầy cô, nhằm giải quyết các bài toán thực tế phục vụ việc chuyển đổi số trong trường. Vinh cùng một nhóm bạn từng lập trình ra trang chấm bài tự động môn Cơ sở dữ liệu. Sinh viên nộp bài bất kỳ lúc nào, kết quả sẽ hiển thị ngay sau vài giây.
![]() |
Vinh thuyết trình trong chương trình thực tập sinh tài năng của Viettel. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên bộ môn Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, giảng dạy và hướng dẫn Vinh từ cuối năm thứ hai. Thầy đánh giá Vinh chủ động học tập, trao đổi với giảng viên rất kỹ và sẵn sàng làm việc đêm muộn.
"Vinh đạt danh hiệu thủ khoa là điều không bất ngờ với tôi", thầy Tiến nói. "Hướng dẫn em thực tập, làm đồ án, tôi luôn thấy yên tâm".
Sau buổi nhận bằng tốt nghiệp, Vinh cho biết sẽ tiếp tục công việc hiện tại.
"Mình thích công việc này bởi vừa được nghiên cứu, vừa được phát triển và triển khai các ứng dụng thực tế trong hệ thống lớn", Vinh nói.
Dương Tâm