Ngày 27/6, trang văn học LitHub đăng thư của 70 tác giả gửi các nhà xuất bản Penguin Random House, HarperCollins, Simon & Schuster, Hachette Book Group, Macmillan cùng nhiều đơn vị khác. Họ kêu gọi không sử dụng AI trong các công đoạn xuất bản.
Chỉ trong 24 giờ, bản kiến nghị đi kèm nhận về hơn 1.100 chữ ký, nhiều tên tuổi lớn trong làng văn Mỹ tham gia như Jodi Picoult, Olivie Blake và Paul Tremblay. Tờ NPR cho biết đã liên hệ với năm nhà xuất bản kể trên nhưng chỉ có Simon & Schuster phản hồi. Đại diện đơn vị phát hành sách nói sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và nghiêm túc xem xét các đề nghị.
![]() |
Ba trong số những tác giả ký thư. Từ trái qua: Olivie Blake, Paul Tremblay và Jodi Picoult. Ảnh: Cosmopolitan, Paul Tremblay, CNN |
Trong thư, các tác giả yêu cầu ngành xuất bản thực hiện cam kết: không phát hành sách do AI viết và thiết kế các phần của sách, không thay thế nhân sự con người bằng AI, không biến biên tập viên thành người giám sát, sửa lỗi cho mô hình này. Họ cho biết sẽ đưa những điều khoản này vào hợp đồng xuất bản.
70 tác giả đồng thời nhấn mạnh sách do trí tuệ nhân tạo viết là "thứ tác phẩm rẻ tiền tạo ra từ hành vi ăn cắp chất xám". Theo đó, AI là công cụ hữu ích cho tương lai nhân loại nhưng không thể ứng dụng trong văn học, nghệ thuật.
"Sứ mệnh cốt lõi của nghệ sĩ là phản ánh cuộc đời con người, nhưng trong thế giới đòi hỏi sự nhanh chóng, tức thì, nghệ thuật chúng tôi tạo ra biến thành một loại hàng hóa. Ta đang bước vào tương lai nơi sách, truyện sẽ do AI viết, mà mô hình này vốn không hiểu thế nào là đau khổ hay yêu thương. Chúng tôi viết từ chính cuộc đời mình, bằng nỗi đau mất cha mẹ, niềm hạnh phúc khi con chào đời hay những cuộc tình đã qua. Những câu chuyện đó bị đánh cắp để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo, nếu lòng tham con người chi phối, những tác phẩm của AI sẽ sớm nằm tràn lan trên kệ sách", trích văn bản.
Thực tế những năm gần đây, trên Amazon và các nền tảng mua bán xuất hiện nhiều tên sách dùng AI viết, nhái lại từ sách gốc nhưng đề tên con người. Tờ Wired đưa ví dụ của nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Melanie Mitchell. Khi tìm cuốn Artificial Intelligence: A Guide for Thinking Humans, bên cạnh sách gốc của mình, bà phát hiện một bản ebook (sách điện tử) khác với tựa đề y hệt. Cuốn sách dài 45 trang, diễn đạt dài dòng, vụng về - có tên tác giả là Shumaila Majid - không có thật, không tiểu sử, ảnh đại diện. Công ty công nghệ Reality Defender kết luận 99% sách do AI tạo ra. Ngay lập tức, Amazon gỡ bỏ bản sao cuốn sách của Mitchell.
Sách của nhà khoa học Fei-Fei Li The Worlds I See: Curiosity, Exploration, and Discovery in the Age of AI cũng gặp tình trạng tương tự.
Ngoài ra, theo các tác giả, sự phát triển của giọng đọc AI và dịch máy khiến nhiều diễn viên lồng tiếng, biên, phiên dịch sách mất việc. Họ đưa dẫn chứng, vào tháng 5, đơn vị cung cấp sách nói Audible công bố kế hoạch hợp tác với nhiều nhà xuất bản cho ra mắt sách nói do AI đọc và dịch. Quyết định này nhận về nhiều phản ứng của nhà văn, dịch giả, người lồng tiếng, tác giả Joanne Harris nói đây là "hành động thiển cận".
Nhà văn viết cho thiếu niên Rioghnach Robinson cho rằng các nhà xuất bản cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người viết trước làn sóng AI.
Việc trí tuệ nhân tạo tham gia vào lĩnh vực xuất bản trở thành vấn đề tranh luận trong những năm gần đây. Tác giả Ấn Độ Salman Rushdie cho rằng "nghề văn sẽ bị đe dọa nếu một ngày AI viết được cuốn sách hài hước". Vào tháng 3, Hội tác giả Anh (SoA) đã kêu gọi chính phủ buộc Meta chịu trách nhiệm việc dùng sách của họ để huấn luyện trái phép mô hình AI Llama 3. Anthropic AI cũng bị kiện với lý do tương tự.
Ngược lại, nhiều ý kiến lạc quan về tương lai ngành xuất bản. Ngày 12/3, Sam Altman - CEO của OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT - khiến văn giới xôn xao khi đăng truyện ngắn A machine-shaped hand do AI viết. Trên X, anh nhận xét tác phẩm "truyền tải đúng cảm giác của tiểu thuyết siêu hư cấu". Tại Nhật, tạp chí Kohkoku xuất bản tác phẩm do ChatGPT viết 95%, lấy bối cảnh thế giới sau khi nhân loại tuyệt chủng. Nhà văn Rie Kudan, người hướng dẫn AI và chịu trách nhiệm 5% còn lại, cho biết trải nghiệm sáng tác cùng trí tuệ nhân tạo giúp cô suy ngẫm lại ý nghĩa việc viết truyện hư cấu.
Châu Anh (theo NPR)