Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Giải trí
Thứ ba, 27/5/2025 | 16:48 GMT+7

Hồi ký Michelle Obama (kỳ 1): Hóa giải nỗi sợ

Bà Michelle Obama từng sợ cuộc sống bị xáo trộn khi chồng - ông Barack Obama - nói muốn tranh cử Tổng thống Mỹ.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama ra mắt hồi ký Ánh sáng trong ta: Vượt qua những thời điểm bất định (The Light We Carry: Overcoming in Uncertain Times) tại Mỹ năm 2022. Đến nay, tác phẩm được dịch ra hơn 14 ngôn ngữ và xuất bản tại hơn 27 quốc gia, từng xuất hiện trong danh sách 100 cuốn sách phải đọc năm 2022 do Time bình chọn.

Dịp sách được chuyển ngữ và phát hành trong nước tháng 4, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần do tòa soạn đặt.

Hồi ký "Ánh sáng trong ta" bản tiếng Việt. Ảnh: First News

Nhiều người trong chúng ta đã dành hàng chục năm đấu tranh và tranh đấu với những thử thách tâm lý tương tự khi cứ mãi nhìn chằm chằm vào những thứ giống như con rùa trong câu chuyện của tôi, do dự không dám tiến bước hoặc nắm bắt những cơ hội mới. Nỗi sợ hãi có tác động mạnh mẽ về mặt sinh lý. Nó như một dòng điện chạy qua và khiến cơ thể bạn trở nên cảnh giác. Nó thường làm chúng ta choáng ngợp trong những tình huống mới, khi chúng ta gặp gỡ những người chưa quen và đối mặt với những cảm xúc xa lạ. Cảm giác lo lắng cũng gần giống với sợ hãi, nhưng nó xuất hiện thường xuyên hơn và có lẽ cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vì nó có khả năng kích động thần kinh của chúng ta ngay cả khi không có mối đe dọa nào diễn ra trước mắt, khi chúng ta chỉ đang tưởng tượng về những kết quả tiêu cực tiềm ẩn và sợ hãi về những gì có thể xảy ra. Dù phải trải qua nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng khác nhau trong suốt cuộc đời, về cơ bản thì chúng ta vẫn tự hỏi mình những câu giống nhau: Tôi có an toàn không? Có rủi ro gì không? Tôi có đủ khả năng mở rộng thế giới của mình bằng cách đón nhận một điều gì đó mới mẻ không?

Nhìn chung, sự mới mẻ hầu như luôn đòi hỏi chúng ta phải thận trọng hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là đôi khi chúng ta cũng phản ứng thái quá với nỗi sợ hãi của mình. Chúng ta dễ lầm tưởng một cơn hoảng sợ bất chợt hoặc một chút lo lắng thoáng qua là dấu hiệu để chúng ta lùi lại, đứng yên và tránh trải nghiệm một điều mới.

Khi trưởng thành hơn, chúng ta có nhiều kiểu phản ứng hơn trước nỗi sợ hãi, căng thẳng và những điều nguy hiểm. Có thể chúng ta không còn gào thét và bỏ chạy như khi còn nhỏ, nhưng chúng ta vẫn rút lui theo những cách khác. Khi sợ hãi, một đứa trẻ có thể la hét, còn người lớn chọn cách tránh né. Chẳng hạn như bạn tránh né bằng cách không ghi tên mình vào danh sách tự đề xuất thăng chức ở chỗ làm, không bước tới để giới thiệu bản thân với người mà bạn ngưỡng mộ, không đăng ký một lớp học đầy thách thức đối với bạn, không trò chuyện với người có quan điểm chính trị hoặc tôn giáo mà bạn chưa hiểu... Khi tránh chấp nhận rủi ro để không phải đối mặt với cảm giác lo lắng và khó chịu, bạn có thể đang tự bỏ lỡ cơ hội của mình. Khi chỉ bám vào những điều quen thuộc, bạn đang làm cho thế giới của mình trở nên nhỏ bé và đang tự tước đi cơ hội phát triển của chính mình.

Tôi nghĩ lúc nào chúng ta cũng nên tự hỏi bản thân: Mình sợ hãi vì mình đang thật sự gặp nguy hiểm hay chỉ đơn giản vì mình đang đối mặt với một điều mới lạ?

Giải mã nỗi sợ hãi là quá trình tạm dừng lại để suy ngẫm về bản năng của chính chúng ta, phân tích xem điều gì khiến chúng ta lùi bước cũng như điều gì có thể giúp chúng ta sẵn sàng tiến lên, và có lẽ quan trọng nhất là tìm hiểu lý do chúng ta tiến lên hay lùi bước.

Những điều này có thể mở rộng thành các câu hỏi mang tính xã hội sâu sắc hơn. Khi lảng tránh sự mới mẻ hoặc khác biệt và không để bản thân đối mặt với những phản ứng tự nhiên như sợ hãi hoặc lo lắng, chúng ta có xu hướng tìm kiếm và ưu tiên những khía cạnh giống nhau trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể chỉ tham gia vào các cộng đồng có đặc điểm giống mình; chúng ta có thể coi sự đồng nhất là một phương tiện để cảm thấy dễ chịu và tránh né nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, khi đắm chìm trong vùng an toàn nơi mọi người đều giống nhau, chúng ta càng trở nên nhạy cảm trước những điều khác biệt. Chúng ta trở nên khó chấp nhận bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai không cho ta cảm giác quen thuộc ngay lập tức.

Nếu sợ hãi là cách cơ thể phản ứng với những điều mới lạ thì sự kỳ thị thường là phản ứng của cơ thể với nỗi sợ hãi: Tại sao bạn lại tránh đi chỗ khác khi nhìn thấy một chàng trai da đen mặc áo nỉ có mũ trùm đầu? Tại sao bạn lại rao bán ngôi nhà của mình sau khi một gia đình nhập cư chuyển đến sống bên cạnh? Điều gì khiến bạn có cảm giác bị đe dọa khi thấy hai người đàn ông hôn nhau trên phố?

Tôi nghĩ cảm giác lo lắng nhất mà tôi từng trải qua trong đời là khi Barack lần đầu tiên nói với tôi rằng anh ấy muốn tranh cử tổng thống Mỹ. Tôi thấy viễn cảnh đó thật sự đáng sợ. Và có lẽ điều tệ hơn là khi chúng tôi tiếp tục thảo luận chuyện tranh cử trong những tuần cuối năm 2006, anh ấy đã nói rõ với tôi rằng quyết định cuối cùng hoàn toàn tùy vào tôi. Anh ấy yêu tôi, anh ấy cần tôi, và chúng tôi là bạn đồng hành của nhau. Điều đó có nghĩa là nếu tôi cho rằng ý tưởng táo bạo này quá rủi ro hoặc sẽ gây ra quá nhiều rắc rối cho gia đình mình, tôi có thể ngăn chặn nó ngay tại thời điểm đó.

Tôi chỉ cần nói "không". Và, tin tôi đi, ngay cả khi xung quanh chúng tôi có rất nhiều người thúc giục Barack tranh cử, tôi đã sẵn sàng bác bỏ ý tưởng đó. Tuy nhiên, tôi biết rằng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, ít nhất tôi nợ anh ấy -và nợ chúng tôi - một sự đánh giá kỹ lưỡng và trung thực về lựa chọn này. Tôi đã phải kiềm chế cảm xúc ban đầu của mình để suy nghĩ thấu đáo hơn. Tôi đã phải loại bỏ những lo lắng không có cơ sở để chú tâm suy xét những điều thật sự cần thiết. Tôi đã luôn nghĩ về ý tưởng có vẻ phi lý và đáng sợ này trong vài tuần. Tôi nghĩ về nó khi đang trên đường đến văn phòng làm việc, khi tập luyện chăm chỉ ở phòng gym, khi đưa các con đi ngủ và khi nằm cạnh chồng mình vào buổi tối.

Tôi hiểu rằng Barack muốn trở thành tổng thống. Tôi chắc chắn anh ấy sẽ trở thành một vị tổng thống tuyệt vời. Nhưng đồng thời, bản thân tôi lại không thích đời sống chính trị. Tôi yêu công việc của mình. Tôi muốn mang đến cho Sasha và Malia một cuộc sống ổn định và yên bình. Tôi không thích cuộc sống có nhiều sự gián đoạn và khó đoán, và tôi biết một chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ khiến chúng tôi phải đối diện với rất nhiều sự gián đoạn và khó đoán. Tôi cũng biết rằng chúng tôi sẽ phải chịu đựng sự phán xét. Rất nhiều sự phán xét. Về cơ bản, khi ra tranh cử tổng thống, bạn đang yêu cầu mọi người dân Mỹ tán thành hoặc không tán thành bạn bằng lá phiếu của họ.

Để tôi nói cho bạn biết, cảm giác đó thật sự rất đáng sợ.

Tôi đã tự nhủ rằng chỉ cần nói "không" là tôi sẽ lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu tôi nói "không", mọi thứ vẫn như cũ. Chúng tôi vẫn sống thoải mái trong ngôi nhà của mình, trong thành phố của mình, với những công việc chúng tôi đang làm, xung quanh là những người mà chúng tôi quen biết. Chúng tôi không cần chuyển trường, không cần chuyển chỗ ở, không có gì thay đổi cả.

Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp hình cùng hai con gái Malia (trái) và Sasha tại phòng Bầu dục năm 2011. Ảnh: The White House

Vậy là cuối cùng lý do cơ bản cũng được phơi bày, đó là nỗi sợ hãi mà tôi đang cố che đậy: tôi không muốn thay đổi. Tôi không muốn cảm thấy khó chịu, bất định hay mất kiểm soát. Tôi không muốn chồng mình tranh cử tổng thống vì tôi không thể dự đoán được - thật sự không thể tưởng tượng được - trải nghiệm đó sẽ dẫn đến kết quả gì. Tất nhiên là tôi có những lo lắng chính đáng, nhưng thật ra tôi sợ điều gì? Tôi sợ cái mới.

Việc nhận ra nỗi sợ của mình đã giúp tôi suy nghĩ rõ ràng hơn. Bằng cách nào đó, ý tưởng tranh cử tổng thống bỗng trở nên bớt phi lý hơn và bớt đáng sợ hơn. Tôi đã có thể tách bạch những lo lắng của mình theo cách khiến chúng bớt áp đảo hơn. Tôi đã thực hành điều này trong nhiều năm - kể từ lần tôi đối mặt với con rùa trên sân khấu của bà Robbie - và Barack cũng đã làm như vậy. Tôi đã tự nhắc nhở mình rằng trước đây hai chúng tôi đã trải qua rất nhiều thay đổi và rất nhiều điều mới lạ. Khi còn là thanh thiếu niên, chúng tôi đã rời xa vòng tay an toàn của gia đình để đến trường đại học. Chúng tôi đã bắt đầu những sự nghiệp mới.

Chúng tôi đã vượt qua thách thức khi là những người da đen duy nhất trong nhiều môi trường khác nhau. Barack đã từng thắng và thua trong các cuộc bầu cử trước đây. Chúng tôi đã chiến đấu với chứng hiếm muộn, vượt qua nỗi đau mất cha mẹ và chiến đấu với những căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Những điều bất định có làm chúng tôi lo lắng không? Sự mới mẻ có làm chúng tôi khó chịu không? Chắc chắn là có, rất nhiều lần. Nhưng chẳng phải chúng tôi đã chứng tỏ được năng lực và khả năng thích ứng của mình trên mỗi chặng đường chúng tôi đi qua rồi sao? Đúng vậy. Thực tế là đến thời điểm đó, chúng tôi đã trải qua những tháng ngày được tôi luyện.

Cuối cùng, tất cả những suy nghĩ đó đã giúp tôi đưa ra quyết định.

Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng nỗi sợ hãi của tôi đã suýt thay đổi cả một giai đoạn lịch sử.

Nhưng tôi đã không để nỗi sợ lấn át. Tôi đã đồng ý để Barack tranh cử tổng thống.

Hơn bất cứ điều gì khác, tôi không muốn sống với cảm giác hối tiếc về những phiên bản khác của câu chuyện đời mà tôi đã từ chối lựa chọn. Tôi không muốn trải qua cảnh cả gia đình quây quần bên bàn ăn tối và nói về những con đường chưa đi hoặc những chuyện có thể đã xảy ra. Tôi không muốn một ngày nào đó phải nói với các con của mình rằng đã có lúc cha của chúng có khả năng trở thành tổng thống - rằng anh ấy đã có được niềm tin của rất nhiều người và có can đảm để cố gắng làm một điều vĩ đại - nhưng chính tôi là người đã từ bỏ khả năng đó, giả vờ như tôi muốn tốt cho mọi người trong khi thật ra tôi chỉ đang níu lấy cảm giác thoải mái với cuộc sống hiện tại và đang bảo vệ ước muốn về việc không cần phải thay đổi.

Tôi cảm thấy mình đã chịu một chút ràng buộc và cả một chút kích động từ di sản của hai người ông của tôi, những người đàn ông da đen kiêu hãnh đã làm việc chăm chỉ và chăm sóc chu đáo cho gia đình họ, nhưng cuộc sống của họ luôn bị nỗi sợ hãi bao vây - thường là nỗi sợ đối với những điều hữu hình và chính đáng - và kết quả là thế giới của họ bị thu hẹp lại.

Còn tiếp

(Trích sách Ánh sáng trong ta: Vượt qua những thời điểm bất định, Lê Thanh Hà dịch, First News và Nhà xuất bản Dân Trí phát hành)

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/hoi-ky-michelle-obama-ky-1-hoa-giai-noi-so-4890886.html
Tags: cựu đệ nhất phu nhân Mỹ hồi ký của Michelle Obama hồi ký Ánh sáng trong ta Michelle Obama

Tin cùng chuyên mục

Phong cách công chúa Campuchia ở tuổi 13

Phong cách công chúa Campuchia ở tuổi 13

Ở tuổi 13, công chúa Campuchia Norodom Jenna có phong cách năng động và trưởng thành, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội.

Bí quyết giúp phu nhân Tổng thống Pháp giữ dáng

Bí quyết giúp phu nhân Tổng thống Pháp giữ dáng

Bà Brigitte Macron - phu nhân Tổng thống Pháp Macron - ăn khoảng 10 loại trái cây mỗi ngày, tập pilates đều đặn.

Đồng nghiệp ủng hộ Đàm Vĩnh Hưng tái xuất

Đồng nghiệp ủng hộ Đàm Vĩnh Hưng tái xuất

Nghệ sĩ Cẩm Vân, Thành Lộc nói thích Đàm Vĩnh Hưng hát nhẹ nhàng, tự sự, không "gào thét" như trước, dịp anh tái xuất sau chín tháng bị cấm diễn.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn nhờ những cống hiến trong hơn 50 năm với các sáng tác dành cho thiếu nhi.

Ca khúc 'Phép màu' được học trò cuối cấp yêu thích

Ca khúc 'Phép màu' được học trò cuối cấp yêu thích

Ca khúc "Phép màu" của nhóm Maydays gợi ký ức một thời thanh xuân, kể câu chuyện của những người dám ước mơ.

Lý Tử Thất gây chú ý sau nửa năm ở ẩn

Lý Tử Thất gây chú ý sau nửa năm ở ẩn

Lý Tử Thất - nhà sáng tạo nội dung văn hóa - mặc váy tự nhuộm, dự sự kiện sau khoảng nửa năm vắng bóng.

Miss Grand International 2024 từ bỏ vương miện

Miss Grand International 2024 từ bỏ vương miện

Rachel Gupta, người Ấn Độ, đương kim Hoa hậu Hòa bình Thế giới từ bỏ danh hiệu vì mâu thuẫn với ban tổ chức.

'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' được dịch sang ba thứ tiếng

'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' được dịch sang ba thứ tiếng

"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của Nguyễn Văn Chung được các nhà giáo chuyển sang tiếng Anh, Nga và Nhật với mong muốn lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

'Bài văn về trứng vịt lộn' - trân trọng mọi khác biệt

'Bài văn về trứng vịt lộn' - trân trọng mọi khác biệt

Truyện tranh ''Bài văn về trứng vịt lộn'' của Trần Khắc Khoan gửi thông điệp mỗi người nên thành thật với bản thân.

Mỹ nhân Malaysia dự sự kiện cùng dàn sao Việt

Mỹ nhân Malaysia dự sự kiện cùng dàn sao Việt

Miss Charm 2024 Rashmita Rasindran, người Malaysia, dự ra mắt game show cùng dàn sao Việt.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies