Bia chùa Linh Xứng là bảo vật quốc gia trong đợt công nhận mới nhất vào tháng 12/2024. Hiện vật được tạo tác từ một phiến đá nguyên khối màu xanh xám, đặt trên lưng rùa, dáng hộp dẹp. Đế rùa hình thành từ tảng đá độc lập, tạc theo lối tả thực, cổ điển, hình khối chắc chắn. Đầu con vật ngẩng cao, bốn chân vững, mai nhẵn, đuôi vắt lên thân ở phía sau.
Trên trán bia hình bán nguyệt có tiêu đề ''Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh" (Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn). Khi chùa bị đổ, người dân đem bia để trên thềm đền Lý Thường Kiệt ở làng Ngọ Xá, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đến trước năm 1945. Sau đó bảo vật được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (hiện là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) lưu giữ, trưng bày.
Hai mặt bia đều khắc minh văn chữ Hán, theo chiều dọc từ phải sang trái. Mặt trước gồm 25 dòng, phía sau có 23 dòng. Thông tin cho biết Giác Tính Hải Chiếu đại sư soạn bia, người khắc chữ là sư tăng Huệ Thống Thường Tâm Pháp Viên. Thời gian dựng bảo vật là ngày 3/3 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ bảy, đời vua Lý Nhân Tông, năm 1126.
Văn bia được cấu trúc trên tự dưới minh, chữ chân phương, sắc nét. Nội dung văn xuôi gồm ba phần. Một là sơ lược về triết lý nhà Phật. Tiếp theo nói về thân thế, sự nghiệp nhiều chiến công của Lý Thường Kiệt. Ba là đề cập việc ông chủ trì khởi công, cùng trưởng lão Sùng Tín tìm đất và xây chùa Linh Xứng. Phần cuối là bài minh bằng văn vần, thông tin hàm súc, có giá trị như một tác phẩm văn học.
![]() |
Bảo vật nặng 980 kg, cao 145 cm, bề rộng bia 70 cm, dày 11 cm. Đế hình rùa dài 117 cm, rộng 87 cm, cao 23 cm. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa |
Cục Di sản Văn hóa cho biết ngoài tấm bia chùa Linh Xứng, còn hai hiện vật tương tự, liên quan Lý Thường Kiệt được tìm thấy tại Thanh Hóa là An Hoạch sơn Báo Ân tự bi (1100) và Càn Ni sơn Hương Nghiêm bi kí (1125). Tuy nhiên bảo vật quốc gia được Lý Thường Kiệt trực tiếp yêu cầu soạn và dựng tại ngôi chùa do ông khởi công xây dựng, là tấm bia còn nguyên vẹn nhất.
Đây cũng là vật chứng duy nhất còn hiện hữu cho thấy lịch sử ra đời chùa. Lý Thường Kiệt và Sùng Tín Trưởng lão đi nhiều nơi để tìm đất, đến vùng núi Ngưỡng Sơn, thấy cảnh trí thanh u, cây cối tốt tươi, không quá xa làng xóm nên quyết định chọn nơi xây dựng công trình. Chùa hoàn thiện cũng nhờ sự đóng góp lớn của người dân: ''Thế là phát cỏ rậm, san bạt đá to, thầy phong thủy đo đạc phương hướng, thợ giỏi trình dâng thiết kế. Mọi người liên tục đóng góp tiền của, kẻ sĩ dân thường đua nhau kéo tới góp công, ai sức kém thì khắc thì bào, ai sành nghề thì dựng thì xây''.
Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa nhận định hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đây là một trong những văn bản gốc của thời Lý còn lại đến ngày nay, cung cấp thông tin về xã hội đương thời, bảo đảm tính xác thực hơn so với một số loại hình văn bản khác.
Bảo vật là số ít tài liệu đề cập đóng góp của Lý Thường Kiệt trong khoảng 19 năm trấn trị vùng đất Thanh Hóa. Nội dung ghi: "Thái úy đối nội thì sáng suốt khoan hòa, đối ngoại thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, chẳng nề khó khăn vất vả. Làm mọi việc đều siêng năng cần kiệm, dẫn dắt dân thì ôn hòa, vậy nên nhân dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ dân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, vậy nên nhân dân đều kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, nên hình ngục không quá lạm. Với dân lấy ấm no làm đầu, trong nước lấy nghề nông làm gốc, vậy nên việc nông vụ cấy trồng không bị mất mùa. Tài giỏi mà không khoe khoang, quan tâm nuôi dưỡng người già ở nơi thôn dã, vậy nên người già nhờ đó mà được yên thân".
Theo thông tin của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đến thế kỷ 10, trước khi Lý Thường Kiệt theo mệnh vua vào trấn trị Thanh Hóa, vùng đất Ái Châu đã có những vị tăng thống nổi tiếng, ngôi chùa lớn. Tuy nhiên ông vẫn ghi công lớn trong việc sửa chữa, trùng tu, trực tiếp xây một số ngôi chùa, tháp.
Đầu năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, nhà Tống thể hiện ý đồ xâm lược
Đại Việt. Để đối phó âm mưu này, Lý Thường Kiệt tìm cách ổn định tình hình trong nước, củng cố sự đoàn kết của nội bộ triều đình. Ông ''thống lĩnh quân sĩ tiêu diệt ba châu bốn trại, nhanh chóng dễ dàng như bẻ cành gỗ mục''. Sau đó ông đưa đại quân về nước, chuẩn bị kháng chiến. Khi quân Tống kéo đến sông Như Nguyệt, ''thái uý lại cầm quân chống giặc, như một nhà hùng biện đem lời phải trái mà thuyết luận với quân giặc, chẳng mất sức gì mà bọn tướng giặc đều rã rời chịu thua, thế là giữ được an ninh cho tông miếu xã tắc". Nhờ vậy chủ quyền Đại Việt được giữ vững, nhân dân sống trong thanh bình. Do có nhiều công trạng to lớn, Lý Thường Kiệt được nhân dân ca ngợi là một trong những anh hùng hào kiệt, vĩ đại nhất của dân tộc.
Văn bia còn cho biết sự hình thành của làng, xã, những thay đổi trong cơ cấu hành chính, các chức danh phẩm trật thời Lý. Bên cạnh việc xây dựng thể chế chính trị, phát triển nông nghiệp, nhà Lý chú trọng tạo nên những chính sách quản lý ruộng đất. Nhà nước trực tiếp giám sát các loại ruộng quốc khố, đồn điền, tịch điền, sơn lăng (ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ của vua, giao cho dân trông nom việc tế tự, được miễn tô thuế). Còn ruộng công làng xã, thác đao, thực ấp, triều đình chỉ gián tiếp quản lý. Nội dung cũng thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo với cung đình, thái độ sùng tín đạo Phật của vua và người dân thời kỳ này.
Phương Linh