Báo cáo hôm 27/6 của Agoda cho thấy trong nửa đầu năm, Thái Lan đã tụt xuống vị trí thứ hai - sau Nhật Bản - trong danh sách 5 điểm đến nước ngoài được người Việt tìm nhiều nhất. Cùng kỳ năm ngoái, Thái Lan dẫn đầu, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Đại diện Agoda cho biết lượng tìm kiếm về Thái Lan chỉ giảm nhẹ, chưa quá nghiêm trọng.
Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong top 10 thị trường gửi khách nhiều nhất đến Thái Lan 5 tháng đầu năm, Việt Nam không xuất hiện. Vào năm 2024, thống kê nửa đầu năm cho thấy Việt Nam xếp thứ 9 trong số các thị trường gửi khách đến Thái Lan với gần 502.000 lượt.
Người Việt đang có xu hướng tìm kiếm các điểm đến mới khi Trung Quốc vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng nửa đầu năm của Agoda, với mức tăng 478% so với cùng kỳ năm trước - nửa đầu năm 2024, Trung Quốc không xuất hiện trong top 5.
![]() |
Một quầy hàng ở Chinatown, Bangkok. Ảnh: Adventures of Jellie |
Thống kê từ các công ty lữ hành và các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ du lịch lẻ cho thấy những tín hiệu ít khả quan hơn về nhu cầu du lịch Thái Lan của người Việt. Ông Hoàng Minh, giám đốc một công ty lữ hành lớn ở Hà Nội chuyên thị trường Thái Lan, cho biết lượng tìm kiếm tour trọn gói đã giảm tới 75%. Bkt - Bangkok Tourist, công ty chuyên cung cấp landtour Thái Lan cho các công ty lữ hành Việt Nam, cũng ghi nhận lượng quan tâm giảm tới 50% trong nửa đầu năm.
Ông Võ Duy Khang, đại diện công ty TNHH VietGoGo, chuyên cung cấp dịch vụ lẻ du lịch Thái Lan, nói lượng khách giảm 30-40%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có thời điểm, các tour ghép trước đây giá 7-8 triệu đồng mỗi người, "xả" chỉ còn 4 triệu đồng gần ngày khởi hành nhưng không có khách. Vé máy bay khứ hồi có lúc rẻ tới 2,5 triệu đồng còn khách sạn cũng giảm giá 20-30% dù đang mùa cao điểm.
"Nửa đầu năm, du lịch Thái Lan gặp nhiều vấn đề liên quan đến động đất, thông tin bùng phát dịch Covid-19 lẫn căng thẳng chính trị với Campuchia", ông Khang nói.
Mặt khác, tỷ giá đồng baht tăng mạnh từ mức trung bình 680-700 lên 800-830 baht so với VNĐ, ngang gần với Đài tệ, khiến Thái Lan mất dần hình ảnh điểm đến giá rẻ. Theo ông Khang, nội tại du lịch Thái Lan cũng có nhiều vấn đề khi những điểm đến truyền thống thiếu đổi mới, khó hút khách trở lại.
Trần Duy Vũ, sống tại TP HCM, thường đi Thái Lan khoảng 1-2 lần mỗi năm liên tục trong 10 năm nay, nhận xét các điểm truyền thống không có nhiều thay đổi, chi phí tăng cao, các chương trình nghệ thuật ngày càng rập khuôn, tẻ nhạt. Nhiều điểm du lịch lớn như chợ nổi có tình trạng chặt chém du khách, mất đi tính bản địa.
"Dĩ nhiên, Thái Lan vẫn là điểm tuyệt vời để mua sắm, ăn uống", anh nói nhưng cho rằng ngoài Bangkok, các địa phương không còn nhiều thu hút.
![]() |
Khách Việt đi Bangkok xem chung kết ASEAN Cup hồi tháng 1. Ảnh: Thành Đạt |
Ông Nguyễn Đông Giang, Tổng giám đốc Bkt Bangkok Tourist, cho biết khách Việt định vị Thái Lan là điểm đến giá rẻ, chủ yếu quan tâm Bangkok, Pattaya, Phuket. Theo ông Giang, các điểm truyền thống như Bangkok được trợ giá nhiều, đánh đổi bằng 3-4 điểm mua sắm mỗi tour, nên giá sẽ rất tốt. Trong khi đó, các tuyến điểm mới như Hua Hin, Chiang Rai, Chiang Mai ít được chú ý hơn vì giá thường cao hơn từ 30% đến 40%.
Ngoài ra, tour Thái Lan cũng đang gặp sức ép cạnh tranh từ những thị trường mới như Trung Quốc - hiện được nhiều đơn vị lữ hành đẩy bán, chạy truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Tràng An Travel, nói tour Trung Quốc đang bùng nổ với đa dạng sản phẩm, chỉ từ 4 triệu cũng có thể xuất ngoại nên được khách ưa chuộng trong bối cảnh du khách phải thắt chặt chi tiêu. Căng thẳng khu vực biên giới với Campuchia có thể là nguyên nhân khiến khách hàng chùn bước, chuyển hướng tới các điểm khác như Singapore, Malaysia dù thực tế tình hình du lịch ở Thái Lan vẫn bình thường.
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó giám đốc Du Lịch Việt chi nhánh Hà Nội, nói sau nhiều năm là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt, tour Thái Lan truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, khiến sức hút giảm sút, đặc biệt với nhóm khách trẻ, khách đã từng đi hoặc những người mong muốn trải nghiệm mới.
Nhóm khách trẻ và trung lưu đang tìm kiếm các điểm đến mới, trải nghiệm sâu và cá nhân hóa hơn hoặc chuyển sang các tour thiết kế riêng và tour cao cấp. Số liệu kinh doanh của công ty du lịch cho thấy lượng khách quan tâm và đăng ký tour Trung Quốc tăng trưởng đột phá, khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh vé máy bay nội địa tăng cao, các tour trọn gói đi Trung Quốc, đặc biệt các tuyến đường bộ hoặc bay chặng ngắn, có chi phí rất cạnh tranh. Du khách Việt đang hào hứng với các cung đường mới như Lệ Giang - Shangri-La, Côn Minh, thay vì các tuyến truyền thống.
Bên cạnh đó, các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ghi nhận lượng khách tăng trưởng tích cực, khoảng 30-35% so với cùng kỳ, nhờ được đánh giá cao về độ an toàn, sạch sẽ và chất lượng dịch vụ, phù hợp với nhóm khách gia đình và khách hàng yêu cầu cao.
"Tour Thái Lan vẫn trong top 3 tour bán chạy nhất hè nhưng rõ ràng sức hút đang giảm", ông Khánh nói.
![]() |
Thanh Hà trong chuyến du lịch Bangkok. Ảnh: NVCC |
Dù vậy, nhiều du khách vẫn dành tình yêu đặc biệt cho Thái Lan và quay lại không ít lần. Thanh Hà, sống tại Hà Nội, đã du lịch Bangkok 5 lần, nói thành phố này vẫn có giá trị quay lại vì chi phí vừa tầm, đồ ăn ngon, thỉnh thoảng lại có những chương trình âm nhạc của các ngôi sao quốc tế.
Tuy nhìn nhận sự sụt giảm nhu cầu, đại diện Bkt Bangkok Tourist tin tình hình sẽ sớm sáng sủa hơn. Ông Giang cho biết dù còn nhiều vấn đề tồn đọng, Thái Lan vẫn là điểm đến dễ tiếp cận, đáp ứng đa dạng nhu cầu từ ăn chơi, giải trí cho đến du lịch. Còn ông Hoàng Minh cũng nhận xét du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan nên mọi thứ sẽ sớm trở về quỹ đạo.
Tú Nguyễn