![]() |
Không chỉ là nơi trung chuyển hành khách, các sân bay hiện đại đang dần trở thành những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, kết hợp giữa công năng, thẩm mỹ và tính bền vững. Prix Versailles - một trong những giải kiến trúc thường niên danh giá toàn cầu - công bố danh sách những sân bay đẹp nhất thế giới năm 2024, đề cao tính bền vững thông minh trong thiết kế.
Dưới đây là 6 sân bay được vinh danh nhờ sự xuất sắc về vận hành, môi trường và thẩm mỹ.
Sân bay Quốc tế Yantai Penglai, Trung Quốc
Điểm nhấn của sân bay là Nhà ga T2 của sân bay quốc tế Yantai Penglai, với diện tích 167.000 m², mang cảm hứng từ đường bờ biển và dãy núi Kunyu hùng vĩ của vùng Yantai.
Được thiết kế bởi liên danh Aedas, CSWADI và Viện Nghiên cứu Thiết kế sân bay Thượng Hải, nhà ga sở hữu kết cấu hình chữ E tối ưu dòng chảy hành khách và hạn chế tối đa tác động đến địa hình hiện hữu.
Không gian bên trong sử dụng vật liệu và tông màu lấy cảm hứng từ tự nhiên, ánh sáng trời xuyên suốt giúp hành khách cảm thấy thư giãn. Một số chi tiết nội thất mô phỏng thân tàu gỗ, gợi nhắc đến Con đường Tơ lụa trên biển.
Ảnh: Archello
![]() |
Sân bay Marseille Provence, Pháp
Vị trí thứ hai thuộc về sân bay Marseille Provence, nơi Foster + Partners vừa hoàn thành công trình mở rộng và nâng cấp Nhà ga 1 với diện tích 22.000 m2 mà không làm tăng diện tích nền.
Được xây dựng bằng 70% thép tái chế, trần nhà là hệ thống giếng trời bằng nhôm sáng bóng giúp thông gió tự nhiên. Dự án còn cải tạo lại 28.000 m2 nhà ga cũ, kết nối mạch lạc giữa thiết kế từ thập niên 1960 của kiến trúc sư Fernand Pouillon và phần mở rộng những năm 1990 do Richard Rogers thực hiện.
Khu vực kiểm tra an ninh nay nằm dưới mái gỗ, các cửa hàng và nhà hàng cũng mang phong cách nhà thuyền, gợi nhớ bến cảng Marseille xưa. Mặt kính trong suốt giúp hành khách chiêm ngưỡng cả vùng nội địa Provençal lẫn đầm phá biển bên ngoài.
Theo Jérôme Gouadain, Tổng thư ký Prix Versailles, sân bay dù là không gian chức năng như sảnh khởi hành hay quầy check-in vẫn có thể trở thành điểm nhấn nghệ thuật. "Chúng ta nên xem sân bay không chỉ là hạ tầng kỹ thuật, mà còn là một phần của cảnh quan đô thị, những công trình đáng ngắm nhìn", ông nói.
Ảnh: Foster + Partners
![]() |
Sân bay Roland Garros, Pháp
Nhà ga đến rộng 13.000 m2 tại sân bay Roland Garros trên đảo Réunion là công trình đầu tiên trên thế giới ứng dụng kiến trúc khí hậu nhiệt đới ở quy mô lớn.
Thết kế nhà ga tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương (91%) và kết hợp yếu tố khí hậu địa phương như lốc xoáy, gió mạnh. Điểm nổi bật là "hẻm núi" trung tâm hoạt động như một ống khói nhiệt giúp thông gió tự nhiên.
Hơn 830 bộ cửa chớp tự động điều chỉnh theo cảm biến môi trường bên ngoài. Chất liệu gỗ và thực vật bản địa được sử dụng khắp nhà ga, tạo nên một hành trình trải nghiệm giàu bản sắc văn hóa và thiên nhiên.
Ảnh: Les Echos
![]() |
Sân bay Quốc tế Kansai, Nhật Bản
Xếp thứ 4 là sân bay Kansai, biểu tượng kiến trúc nằm trên đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, do kiến trúc sư Renzo Piano thiết kế từ ba thập niên trước.
Nhà ga T1 vừa được nâng cấp, nâng công suất phục vụ khách quốc tế thêm 25%. Các không gian bên trong được làm mới với bảng màu trung tính, vật liệu tự nhiên, nhấn mạnh chất Nhật đương đại. Dù đã 30 năm tuổi, Kansai vẫn giữ được tính biểu tượng về kết cấu khí động học và vai trò tiên phong trong thiết kế sân bay trên biển. Ảnh: Dezeen
![]() |
Sân bay quốc tế Portland, Mỹ
Xếp thứ 5 là nhà ga chính mới của sân bay quốc tế Portland, do hãng kiến trúc ZGF thiết kế. Lấy cảm hứng từ những chuyến đi bộ xuyên rừng Oregon, công trình mang đến trải nghiệm êm dịu và đậm chất thiên nhiên cho hành khách.
Tâm điểm kiến trúc là phần mái lượn sóng làm từ gỗ khối, trải rộng hơn 36.000 m2, tôn vinh truyền thống khai thác và chế biến gỗ lâu đời tại bang Oregon. Tất cả vật liệu được lấy từ khu vực bán kính 500 km quanh sân bay.
Cấu trúc cho phép ánh sáng tự nhiên tràn ngập, mở rộng tầm nhìn ra cảnh quan rừng xanh bên ngoài, đồng thời kết hợp nhiều yếu tố sinh thái trong thiết kế nội thất. Một hệ thống quản lý xếp hàng thông minh cũng được triển khai để tối ưu hóa dòng hành khách.
Ảnh: Afar
![]() |
Sân bay quốc tế San Francisco, Mỹ
Vị trí thứ sáu thuộc về nhà ga số 1 của sân bay quốc tế San Francisco, với 25 cổng lên máy bay mới và định hướng phát triển bền vững rõ rệt.
Theo ban tổ chức Prix Versailles, công trình đã giảm được 79% lượng khí thải carbon và 59% mức tiêu thụ năng lượng so với thiết kế truyền thống. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa ở mọi tầng, tạo nên không gian dịu nhẹ và thư thái cho hành khách.
Nhà ga cũng là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và thủ công truyền thống, phản ánh bản sắc riêng của vùng Vịnh San Francisco. Đặc biệt, đây là sân bay duy nhất trên thế giới có bảo tàng được công nhận, SFO Museum, với nhiều triển lãm được bố trí khắp các nhà ga.
Nhà ga số 1 còn là công trình tưởng niệm Harvey Milk, chính trị gia công khai là người đồng tính đầu tiên được bầu vào chức vụ công tại bang California, biểu tượng của sự bao dung và hòa nhập. Harvey từng giành một ghế ở Ban Giám sát San Francisco. Ảnh: Wood Bagots
Anh Minh (Theo Euro News)