Theo website Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 13/7 tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Paris, Pháp, UNESCO đã thông qua quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Khăm Muộn, Lào). Tên gọi của di sản liên biên giới Việt - Lào đầu tiên này là "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô".
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 2003 và 2015 với vùng lõi 123.326 ha và vùng đệm 220.055 ha. Vườn có ranh giới tự nhiên với Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Hồ sơ đề cử mở rộng được hai nước gửi UNESCO tháng 2/2024, do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thẩm định và trình duyệt tại kỳ họp này theo các tiêu chí địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
![]() |
Sông Chày ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Võ Thạnh |
Khu vực này là một trong những cảnh quan karst đá vôi nguyên vẹn nhất thế giới, nằm tại giao thoa Dãy núi Annam và vành đai Đá vôi Trung Đông Dương. Hệ thống karst hình thành từ 400 triệu năm trước với hơn 220 km hang động, bao gồm hang Sơn Đoòng và Xe Bang Fai - những hang động lớn nhất thế giới.
Hệ sinh thái đa dạng gồm rừng karst khô, rừng ẩm và hang động ngầm với hơn 2.700 loài thực vật và 800 loài động vật có xương sống tại Phong Nha - Kẻ Bàng, 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật tại Hin Nam Nô, nhiều loài đặc hữu và bị đe dọa.
Việc quản lý di sản liên biên giới đã được Việt Nam và Lào thống nhất từ nhiều năm với các hoạt động bảo vệ và thực thi pháp luật. Bộ trưởng Văn hóa Lào bày tỏ tự hào về sự kiện này, cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để quản lý di sản.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết thành công này nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với Lào. Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định pháp luật, đánh giá sức tải du lịch và bảo vệ di sản trước các nguy cơ.
Cùng dịp này, UNESCO cũng ghi danh Quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Việt Nam) vào Danh mục Di sản Thế giới, khẳng định giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo của khu vực này.
Hoài Anh