Phan Quốc (Kẻ Du Mục) tới Ấn Độ hồi tháng 2 để chiêm ngưỡng "tứ động tâm" - bốn đại thánh tích Phật giáo Ấn Độ, gồm Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kusinara. Trong hành trình này, anh trở lại thánh địa Varanasi sau nhiều năm và dành thời gian ghé qua sông Hằng, xem nghi lễ đốt xác.
Nghi thức hỏa táng trên sông Hằng, đặc biệt tại các ghat (bậc đá dẫn xuống sông làm lễ) ở Varanasi, đặc biệt quan trọng trong đạo Hindu. Các tín đồ tin hỏa táng ở Varanasi và rải tro cốt xuống sông Hằng giúp linh hồn thoát khỏi chu kỳ luân hồi và đạt được sự giải thoát vĩnh cửu. Sông Hằng được xem là hiện thân của nữ thần Ganga, có khả năng thanh tẩy tội lỗi và dẫn dắt linh hồn đến thiên giới.
Ngay trên những con đường nhỏ và đông đúc ở Varanasi, Quốc đã thấy từng đoàn người mang xác đến sông Hằng thiêu. Điều kỳ lạ là đoàn người không phát ra tiếng khóc thương, một số còn cười nói như đi hội. Lý do là người Hindu tin chết ở Varanasi, được hỏa táng trên sông Hằng là sự kiện thiêng liêng, không phải mất mát, đau thương.
![]() |
Quốc chụp ảnh khi đi thuyền vãn cảnh sông Hằng. |
Băng qua dòng người đổ về từ tứ xứ, du khách Việt cũng đến được sông Hằng. Quốc chia sẻ từng tới sông vài lần và lần nào cũng choáng ngợp với khung cảnh ở đây. Nếu bỏ qua những yếu tố về ô nhiễm, anh nhận xét con sông đẹp như dải lụa mềm mại, lúc nào cũng thấy rợp bóng chim bay.
Đường xuống sông Hằng vào ngày khách Việt tới gần như chật ních người. Anh nghĩ một phần có thể do kỳ Maha Kumbh Mela (cuộc hành hương lớn của cộng đồng Hindu) đầu tiên sau 144 năm được tổ chức gần đó nên khách du lịch, hành hương cũng ghé qua Varanasi. Sau một hồi chật vật, anh cũng thấy những khu đốt xác đầu tiên.
"Mùi khói ở khắp nơi, đứng đâu cũng thấy cay xè mắt", anh nói, cho biết thêm chỉ đứng khoảng một giờ đã thấy cỡ 5-7 gia đình đem xác người thân đi thiêu. Lửa bập bùng cháy, những người đàn ông vác từng bó củi dài trên vai đi lại liên tục. Trước mắt Quốc, sông Hằng hóa thành nơi ngọn lửa không bao giờ tắt.
Theo Pulitzer Center, hàng triệu người Hindu mong được chết hoặc rải tro cốt xuống sông Hằng ở Varanasi. Trung bình mỗi ngày, con sông đón nhận 30-100 người chết, mỗi thi thể thường được thiêu trong ba giờ. Cái chết cũng trở thành một ngành kinh doanh phát đạt ở Varanasi khi hàng nghìn người đến đây mỗi tháng để xem những buổi thiêu tập thể dọc sông Hằng.
Quốc từng thấy những cảnh thiêu xác trong các chuyến du lịch trước kia nhưng số lượng người được thiêu cùng lúc ở sông Hằng đã vượt sức tưởng tượng của anh. Thỉnh thoảng, anh liếc thấy một số bộ phận người chết vẫn tuột ra bên ngoài dù được bọc khá kỹ. Hay hình ảnh mặt một thi thể đang cháy dở cũng khiến anh ám ảnh khi nghĩ về.
![]() |
Khu thiêu xác ở tầng trên khó tiếp cận hơn do xuất hiện những người đòi tiền quay, chụp. |
Các thi thể được phủ bơ sữa (ghee), đặt lên các tấm gỗ, phủ vải trang trí, được nhúng nhanh vào sông Hằng, sau đó đưa đến giàn hỏa táng ngoài trời và châm lửa. Những gia đình khá giả sẽ dùng gỗ đàn hương đắt tiền, tạo ra "ngọn lửa sạch" và mùi thơm hơn. Trung bình, chi phí hỏa táng tại Varanasi cao, từ 7.000-10.000 rupee (khoảng 85-135 USD) cho gỗ, bơ sữa và người hướng dẫn các nghi thức tôn giáo.
Nhiều gia đình nghèo không đủ khả năng chi trả nên thi thể chỉ được đốt một phần hoặc thả thẳng xuống sông Hằng mà không qua hỏa táng đầy đủ. Vào năm 2021, BBC từng phản ánh hàng trăm thi thể trôi nổi trên sông Hằng, cho thấy khó khăn khi hỏa táng đúng cách.
Vlogger Việt cho biết dù cảm giác rợn người, mùi tử khí lại không quá nồng. Nhiều người bản địa xung quanh anh còn nói với nhau "Đúng là dòng sông thiêng, đốt vậy cũng chẳng có mùi". Trong buổi đốt xác, dù tiếng khóc thương không vang lên, anh vẫn thấy nhiều khuôn mặt thẫn thờ khi chứng kiến người thân mình hóa thành cát bụi. Sự tĩnh lặng ấy đối lập hoàn toàn với âm thanh ồn ã của tiếng người nói cười, tiếng nhân viên an ninh tuýt còi phân luồng đường đi xung quanh.
Cách khu đốt xác không xa, Quốc thấy những người dân thoải mái đắm mình dưới dòng sông Hằng để thanh tẩy cơ thể. Một số người còn ngụp hẳn mặt xuống dòng sông dù bằng mắt thường cũng dễ thấy mức độ ô nhiễm của nơi này.
![]() |
Cảnh người đốt xác trước khi rải tro xuống sông Hằng. |
"Tôi không dám nghĩ đến việc ngâm mình ở con sông này khi đã biết những gì người ta làm với nó hàng ngày", anh nói, cho biết thực sự bất ngờ với tín ngưỡng của người Hindu. Với người ngoài, sông Hằng có thể không sạch sẽ. Tuy nhiên, người Hindu tin tắm trong dòng sông Hằng thiêng liêng sẽ rửa sạch tội lỗi, thanh lọc linh hồn và giải thoát họ khỏi vòng luân hồi sinh tử. Mục tiêu tối thượng của Hindu giáo là đạt được sự cứu rỗi.
Dù chỉ lưu lại vài giờ bên sông Hằng, Quốc cảm nhận sự giao thoa kỳ diệu giữa sự sống và cái chết, tín ngưỡng và thực tại. Anh rời Varanasi với lòng trân trọng văn hóa Hindu sâu sắc, xen lẫn ám ảnh từ hình ảnh và mùi khói. Hành trình này không chỉ để chiêm ngưỡng, mà còn giúp anh hiểu thêm về tâm linh và triết lý sống độc đáo của một nền văn hóa.
Tú Nguyễn