![]() |
Dịp cận lễ 30/4, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đón 5.000-9.000 lượt khách mỗi ngày, chủ yếu là khách quốc tế - đông gấp đôi ngày thường. Các khung giờ, bảo tàng luôn kín khách xếp hàng mua vé vào cửa. |
![]() |
Khu vực chuyên đề Chế độ lao tù kín du khách tham quan, nán lại lâu để đọc tài liệu, xem hình ảnh về các nhà tù, những hình thức tra tấn, cuộc đời của các tù nhân trong chiến tranh ở Việt Nam. |
![]() |
Hans, du khách Đức, đến Việt Nam vào những ngày cận lễ 30/4 và TP HCM là điểm dừng cuối trước khi trở về nước. Ông dành hơn một tiếng thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, điều mà trước đây ông "ít biết đến". Trước khi về, Hans nán lại ở bàn cảm tưởng và ghi lại những suy nghĩ sau buổi tham quan.
Dừng bút, Hans bật khóc vì "không kìm nổi sự xúc động" khi tận mắt chứng kiến những đau thương đã diễn ra trong thời chiến ở Việt Nam. Ông có thêm cái nhìn đa chiều sau chuyến đi và so sánh với những gì đã được nghe, được biết trước đó về các cuộc chiến từng diễn ra ở Việt Nam.
![]() |
Ông viết trong cuốn sổ: "Những đau thương và tàn khốc này sẽ mãi là một phần của thế giới, nơi mà hòa bình dường như vẫn còn xa vời. Chúng tôi rất xúc động, như được sống lại trong lịch sử, cảm nhận rõ sự bất công và nỗi đau. Liệu hòa bình có phải chỉ là một giấc mơ? Việt Nam thật ấn tượng''.
Hans cho hay các hình ảnh, tư liệu trong bảo tàng đã mở rộng tầm nhìn của ông về lịch sử thế giới. Ông cho rằng các triển lãm này nên được mang đi khắp nơi vì nhiều người phương Tây không biết về lịch sử Việt Nam, cũng như nhiều người Việt Nam chưa hiểu nhiều về lịch sử phương Tây.
"Nhìn nhận lịch sử từ nhiều góc độ rất giá trị, càng biết nhiều, bức tranh lịch sử càng rõ ràng", Hans nói.
![]() |
Snaha Suresh (ngoài bên trái), du khách Australia gốc Ấn, chia sẻ gia đình chị chọn du lịch Việt Nam vì niềm đam mê lịch sử. Khi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, các thành viên trong gia đình đều "xúc động và bàng hoàng" trước những sự thật tàn khốc.
Qua từng khu vực, Snaha đều giải thích từng hình ảnh, hiện vật cho con trai vì muốn cậu bé hiểu về những khó khăn các quốc gia khác đã trải qua để giành độc lập.
"Ở Australia không có những bảo tàng tương tự, môn học lịch sử cũng ít được quan tâm, nên tôi muốn con trai được tìm hiểu văn hóa, lịch sử từ những chuyến du lịch thực tế", Snaha nói.
Nữ du khách cho biết đã đến Củ Chi và có "trải nghiệm ám ảnh", nhưng bảo tàng này khiến chị suy ngẫm hơn nhiều hơn cả.
![]() |
Chiếc khăn thêu tay của một người chị động viên người em và gia đình chờ ngày đoàn viên, đất nước thống nhất trưng bày tại bảo tàng. |
![]() |
Chị Snaha Suresh đồng cảm với người Việt bởi Ấn Độ cũng trải qua nhiều cuộc chiến giành độc lập và có những nhà tù tối tăm trên đảo, nơi người dân bị tra tấn, giống nhà tù Phú Quốc.
"Những gì xảy ra ở Việt Nam cách đây 50 năm còn khủng khiếp hơn, vì phương thức tra tấn dã man hơn mà tôi không tưởng tượng nổi", chị Snaha nói sau khi đi qua khu vực tái hiện buồng biệt giam chuồng cọp. Từ các song sắt, cai ngục sẽ hành hạ người tù bằng cách ném vôi bột, nước bẩn xuống.
![]() |
"Tôi đã nhiều lần rớm nước mắt và lặp lại câu hỏi tại sao những con người nhỏ bé có thể vượt qua ngần ấy thử thách khốc liệt", Snaha nói và cho biết thêm bảo tàng phơi bày những tội ác, nhưng sau cùng vẫn khơi gợi sự đồng cảm, khuyến khích du khách suy ngẫm về giá trị của hòa bình. |
![]() |
Ngoài du khách quốc tế, bảo tàng là nơi nhiều sinh viên tới tham quan thực tế cho môn học. Lê Minh Tiến, sinh năm 2005 (ngoài cùng - trái), cho biết cùng cả nhóm đến bảo tàng thực hiện buổi ngoại khoá của môn Lịch sử Đảng.
Tiến cho biết không khí bảo tàng những ngày cận kề 30/4 nhộn nhịp, nhiều du khách nước ngoài, cựu chiến binh và cả trẻ nhỏ đến tham quan.
"Khu vực trưng bày về hậu quả chất độc da cam khiến mình không khỏi xúc động vì dù chiến tranh đã lùi xa, những vết thương vẫn còn hiện hữu", Tiến nói.
![]() |
Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, được đưa vào giới thiệu ở các chuyên đề trưng bày thường xuyên như Vũ khí trưng ngoài trời, Chế độ lao tù, Chất độc da cam, Những sự thật lịch sử, Tội ác chiến tranh. Hàng trăm loại vũ khí, bom đạn loại vừa và nhỏ được giới thiệu chi tiết kèm hình ảnh minh hoạ ở bên trong bảo tàng. |
Bích Phương
Ảnh: Khương Nguyễn