Hoàng Ly, du khách TP HCM, vừa kết thúc chuyến đi Lệ Giang - Shangri-la hồi tháng 4, nhận xét trải nghiệm thực sự ngoài mong đợi. Các điểm đến hội tụ đủ yếu tố hấp dẫn từ cảnh quan, văn hóa và cả tâm linh cho những người muốn tìm hiểu sự bí ẩn của Phật giáo Tây Tạng. Từng đi một số điểm thuộc Châu Hồng Hà khi Trung Quốc mới mở cửa sau dịch, cô cho biết Vân Nam "càng vào sâu càng đẹp", đi mãi chưa thấy chán.
Sau dịch Covid-19, các công ty lữ hành ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng của du khách Việt đến Vân Nam. Chi nhánh Hà Nội của công ty Du lịch Việt cho biết khách đi Vân Nam chiếm 40% tổng lượng khách đi Trung Quốc. Vào các tháng hè năm nay, liên minh Trung Quốc của Danh Nam Travel khai thác tới 20 chuyến bay thẳng mỗi tháng đi các điểm thuộc Vân Nam, trung bình 200 khách một chuyến.
![]() |
Khách Việt chụp ảnh ở hồ Nhĩ Hải thuộc tỉnh Vân Nam. Ảnh: Vân Nam Group |
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết các điểm du lịch ở Vân Nam đã được khách Việt chú ý từ khoảng năm 2017 nhưng thị phần chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng tour Trung Quốc, đa số chọn tour truyền thống như Bắc Kinh - Thượng Hải - Quảng Châu. Từ năm 2023, lượng khách đi Vân Nam tăng trưởng 30%, hiện chiếm gần 25% tổng tour đi Trung Quốc của Vietravel.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" là lý do tour Vân Nam "bật" lên sau dịch, theo bà Hoàng Tuyết, CEO Top One Travel - sở hữu thương hiệu Vân Nam Group. Bà Tuyết cho biết trước dịch, một số đơn vị lữ hành ở Lào Cai đã khai thác một số tour cơ bản như Hà Khẩu hay Châu Hồng Hà nhưng chưa bài bản, lượng khách không ổn định.
Sau dịch, các tour Châu Hồng Hà qua cửa khẩu Lào Cai nổi lên là "sản phẩm du lịch quốc dân" nhờ đáp ứng yếu tố du lịch nước ngoài khi đó còn hạn chế, mức giá rẻ - khoảng 3 triệu đồng mỗi người. Sự tham gia của một số đơn vị lữ hành từ Hà Nội đóng vai trò tiên quyết khiến tour Vân Nam "nổi" lên nhờ các hoạt động truyền thông, phân phối cho các đại lý cùng gom khách. Thời gian đầu, các đơn vị ở Lào Cai chủ yếu làm nhỏ lẻ, không tạo ra hiệu ứng truyền thông lớn.
"Nếu không có Covid-19, Vân Nam vẫn sẽ trở thành điểm đến hàng đầu với khách Việt dù sớm hay muộn", bà Tuyết nói, nhấn mạnh giai đoạn Covid-19 "đóng băng" ngành du lịch đã tạo ra thế "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho du lịch Vân Nam.
Tuy nhiên, sức hút của Vân Nam không đơn thuần đến từ may mắn. Gần biên giới Việt Nam, Vân Nam dễ tiếp cận qua cửa khẩu Lào Cai hoặc đường bay đến Côn Minh, Lệ Giang. Giá tour Vân Nam dao động 3-18 triệu đồng, phù hợp đa dạng nhu cầu của khách - thuận tiện hơn so với tour truyền thống Bắc Kinh - Thượng Hải, thường vào khoảng hơn 22 triệu đồng mỗi khách.
![]() |
Mùa phượng tím ở Côn Minh năm nay. Ảnh: Vân Nam Group |
Giám đốc Nguyễn Ngọc Tùng của Danh Nam Travel cho biết nhiều hãng hàng không thấy tiềm năng nên khai thác bay thẳng từ Việt Nam đến Côn Minh hoặc Lệ Giang, giúp giá tour năm 2024 đã giảm 10-17% so với năm 2023, tùy số lượng ngày.
Các điểm du lịch ở Vân Nam có thể phục vụ khách trong cả bốn mùa, theo đại diện Vietravel. Mùa xuân và đầu hè (tháng 3 đến tháng 5), du khách có thể khám phá hoa đào, mộc lan, ruộng bậc thang đỏ ở Đồng Nhân, kết hợp tắm suối nước nóng tự nhiên. Mùa hè và thu (tháng 6 đến tháng 10), tour tập trung vào Shangri-la, rừng đá Thạch Lâm và các trải nghiệm sinh thái. Mùa đông (tháng 11 đến tháng 2 2), khách trải nghiệm ngắm tuyết ở Lệ Giang, văn hóa Tạng, và lễ hội địa phương.
Hiện tại, một số doanh nghiệp lữ hành cũng đang cân nhắc đưa điểm trượt tuyết nhân tạo ở Côn Minh vào chương trình du lịch để đáp ứng nhu cầu chơi tuyết của khách Việt. Ngoài ra, ông Phạm Quốc Khánh - Phó giám đốc Du lịch Việt Hà Nội - cho biết khách Việt có xu hướng du lịch gần, tránh tốn kém hay thủ tục visa phức tạp nên các tour Vân Nam cũng được ưu ái hơn so với những điểm truyền thống.
Dịp 30/4 vừa qua, lượng khách đi Vân Nam bằng hộ chiếu qua cửa khẩu Lào Cai lần đầu tiên cao hơn lượng khách đi bằng sổ thông hành, cho thấy khách Việt ngày càng thích vào sâu Vân Nam bằng đường bộ.
![]() |
Khách Việt ở núi tuyết Kiệu Tử, Vân Nam. Ảnh: Giang Huy |
Thành công của các sản phẩm tour Vân Nam cũng đến từ sự hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và đối tác Trung Quốc. Đại diện Vietravel cho biết đơn vị liên tục khảo sát thực địa từ cuối 2022, hợp tác với hàng không và đối tác địa phương để xây dựng hành trình tinh gọn, hấp dẫn khách Việt. Chính quyền Vân Nam và Sở Du lịch tỉnh cũng tích cực xúc tiến tại Việt Nam qua roadshow, hỗ trợ visa đoàn, giảm giá khách sạn và phát triển nội dung truyền thông phù hợp thị hiếu.
Đại diện Danh Nam Travel cũng chia sẻ đối tác từ Vân Nam đánh giá cao tiềm năng từ khách Việt nên đã chủ động thuê tàu dạng charter, giữ dịch vụ series theo năm để có giá cạnh tranh với các tour khác như Cửu Trại Câu hay Bắc Kinh - Thượng Hải, đồng thời luôn đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, bà Hoàng Tuyết tiết lộ các landtour phía Trung Quốc xưa chỉ hợp tác với một số ít công ty lữ hành nhưng nay dễ tiếp cận hơn. Họ còn chủ động đến Việt Nam để mời hợp tác, gợi ý về các hành trình mới. Sự đa dạng landtour trên thị trường cũng tăng độ cạnh tranh của tour Vân Nam, buộc các đơn vị phải làm mới mình và có mức giá tốt đến khách hàng. Hay đại diện Du lịch Việt cũng cho biết Trung Quốc đang tập trung xúc tiến ở thị trường Đông Nam Á nên họ sẵn sàng tài trợ tiền cho công ty lữ hành Việt Nam trong các chiến dịch quảng bá.
Sau gần ba năm duy trì "sức nóng", đại diện các đơn vị lữ hành tin tiềm năng khai thác du lịch Vân Nam còn rộng mở. Ít nhất trong hai năm tới, đây vẫn sẽ là điểm đến hàng đầu với khách Việt nhờ những lợi thế về địa lý, giá cả lẫn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa.
Tú Nguyễn