Theo Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5 của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), quý I năm nay du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế cao thứ 6 thế giới, tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Nếu xét trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ nhất, tiếp đến là Nhật Bản và CH Palau.
Việt Nam cũng đứng thứ hai về phục hồi lượng khách quốc tế đến (tăng 34% so với 2019) và thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch, với 29%, so với năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam quý I đạt hơn 6 triệu lượt khách và là số lượng khách đến trong một quý cao nhất trong lịch sử. Theo đà này, đến hết tháng 5, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,2 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2024 và tăng 15% so với tháng 5/2019.
Theo báo cáo của UN Tourism, quý I có hơn 300 triệu lượt khách đi du lịch toàn cầu, tăng hơn 14 triệu lượt so với cùng kỳ 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và 3% so với năm 2019. Điều này cho thấy du lịch quốc tế đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị cũng như lạm phát cao làm ảnh hưởng đến chi phí dịch vụ, lữ hành.
Tổng thư ký Du lịch Liên hợp quốc Zurab Pololikashvili cho biết mọi nơi trên thế giới, du lịch đều khẳng định vai trò là một ngành dịch vụ quan trọng, hỗ trợ hàng triệu lao động và doanh nghiệp. Kết quả tăng trưởng liên tục về lượng khách quốc tế và sự gia tăng về chi tiêu của du khách tại nhiều điểm đến đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức và đây thực sự là tin tốt cho các nền kinh tế và người lao động trên toàn thế giới.
Theo khu vực, châu Âu là điểm đến lớn nhất thế giới với hơn 125 triệu lượt khách trong ba tháng đầu năm, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Châu Phi tăng trưởng 9%, châu Mỹ đạt 2%, Trung Đông tăng 1%. Châu Á - Thái Bình Dương cao nhất với 12%.
Nếu so với trước dịch, quý I/2019, Trung Đông phục hồi tốt nhất (đạt 144%); tiếp theo là châu Phi (144%), châu Âu (105%), châu Mỹ (103%). Châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang phục hồi, đạt 91% so với cùng kỳ năm 2019.
Dữ liệu về chi tiêu của du khách tại các điểm đến cho thấy tổng thu từ du lịch quốc tế đạt kỷ lục 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tăng 15% so với năm 2019. Một trong các nguyên nhân là mức chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi tăng lên, đạt 1.170 USD, cao hơn mức trung bình 1.000 USD thời điểm trước đại dịch.
Bất chấp những thách thức và triển vọng thận trọng hơn, UN Tourism vẫn không thay đổi dự báo mức tăng trưởng 3% - 5% của năm nay.
![]() |
Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 28/4. Ảnh: Giang Huy |
Cục Du lịch Việt Nam đánh giá trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tìm đường phục hồi sau Covid-19, mức tăng trưởng của du lịch Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng trong khu vực. Câu chuyện thành công của du lịch Việt Nam phản ánh những nỗ lực của toàn ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ tham mưu xây dựng chính sách, đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm đa dạng. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch, trong đó những chính sách thị thực cởi mở tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Phương Anh