A Lưới cách trung tâm TP Huế khoảng 70 km, là điểm đến lý tưởng cho hành trình hai ngày giữa thiên nhiên núi rừng, nơi du khách có thể tắm thác, thăm di tích lịch sử, khám phá văn hóa các dân tộc thiểu số và thưởng thức đặc sản địa phương.
![]() |
Một lễ hội được tổ chức ở A Lưới vào 4/2025. Ảnh: Visit Huế |
Lịch trình 48 giờ khám phá đảo A Lưới, dựa trên gợi ý của Minh Thiện, hướng dẫn viên địa phương và khảo sát của phóng viên VnExpress.
Ngày 1
Di chuyển đến A Lưới
Từ trung tâm TP Huế, du khách có thể di chuyển đến A Lưới bằng ôtô hoặc xe máy qua quốc lộ 49. Quãng đường dài khoảng 70 km, mất 2 đến 2,5 tiếng di chuyển. Đây là tuyến đường đèo có nhiều khúc cua quanh co, nhưng cảnh quan hai bên khá đẹp, đặc biệt là đoạn qua đèo A Co, nơi có thể dừng xe chụp ảnh rừng núi trập trùng và mây lững lờ bám đỉnh. Nhiều đoạn đường có vật nuôi của người dân chăn thả tự do, du khách nên quan sát từ xa và giảm tốc độ.
![]() |
Một đoạn quốc lộ 49 từ TP Huế lên A Lưới. Ảnh: Huế crown A Lưới |
Ngoài ra, du khách có thể bắt xe buýt tuyến Huế - A Lưới khởi hành hằng ngày từ bến xe phía Nam (đường Nguyễn Tất Thành). Giá vé khoảng 50.000 đồng lượt, thời gian di chuyển lâu hơn do xe dừng đón khách dọc đường.
Thác A Nôr
Điểm đến đầu tiên là thác A Nôr, nằm ở phía đông bắc làng Việt Tiến, xã Hồng Kim (nay là xã A Lưới 1). Thác ẩn mình giữa rừng xanh, chảy qua những tảng đá phủ rêu, tạo thành ba tầng nước liên hoàn với độ cao lần lượt khoảng 8 m, 60 m và 120 m. Tầng thác ngắn nhất ở phía trên, trong khi tầng thấp nhất cũng là cao nhất, nước đổ xuống từ độ cao hàng trăm m. Dưới chân thác là hồ nước rộng, trong xanh và mát lạnh, thích hợp để du khách tắm mát hoặc chụp ảnh check in.
![]() |
Một góc thác A Nôr. Ảnh: Huế crown A Lưới |
Xung quanh khu vực có các lán trại phục vụ món ăn truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi như xôi, gà nướng, cá suối, rau rừng... mang hương vị đặc trưng miền núi. Theo gợi ý của hướng dẫn viên Minh Thiện, du khách nên đặt trước để không phải chờ lâu sau khi tham quan, trải nghiệm ở khu vực thác.
Tham quan Đồi A Bia
Đồi A Bia còn được gọi là "đồi thịt băm" hay "đồi Hamburger", địa danh gắn liền với trận đánh khốc liệt kéo dài 10 ngày đêm giữa quân dân Việt Nam và quân đội Mỹ năm 1969. Nơi đây từng được ví như "địa ngục trần gian" giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ngày nay, chiến trường xưa đã phủ một màu xanh của rừng già, trở thành điểm đến lịch sử trên hành trình khám phá A Lưới. Từ trung tâm xã Hồng Bắc (nay là xã A Lưới 2), con đường bê tông dài 3,5 km đưa du khách đến chân đồi. Để lên đỉnh cao 937 m, du khách cần vượt qua 853 bậc cấp với tổng chiều dài hơn 1,5 km.
Trên đường chinh phục đỉnh A Bia, du khách sẽ bắt gặp những biển chỉ dẫn ghi lại dấu tích chiến tranh như trạm xá A Bia, điểm rơi trực thăng Mỹ, lô cốt tránh đạn. Những mảnh ký ức được gìn giữ giữa đại ngàn, dành cho những ai muốn hoài niệm và tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Khám phá vùng "cội nguồn"
Cội Nguồn nằm ngay trung tâm xã A Lưới 2, có không gian rộng rãi như một quảng trường. Bên trong khuôn viên có các tiểu cảnh tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, như cây nêu, nhà sàn... tạo nên không gian văn hóa đặc trưng. Đây cũng là nơi vui chơi của thanh thiếu niên với nhiều hoạt động giải trí thú vị.
![]() |
Du khách check in trước khu Cội Nguồn ở A Lưới. Ảnh: Huế crown A Lưới |
Phía trên khu vực là một đồi thông nhỏ, thích hợp để tản bộ và ngắm hoa mua tím vào mùa nở rộ. Du khách có thể kết hợp tham quan nhà văn hóa thôn A Năm, xã Hồng Vân (thuộc A Lưới 1), cách A Lưới 2 khoảng 15 km. Đây là nơi lưu giữ ngôi nhà sàn truyền thống của người Pa Cô với cầu thang gỗ, mái lợp tranh.
Buổi tối, Minh Thiện gợi ý du khách dùng bữa tại nhà hàng A Lá, một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng với các món đặc sản A Lưới như cơm lam, thịt nướng ống tre, canh a quát, rượu cần...Khách đi theo nhóm có thể đặt các khu lưu trú chuẩn bị BBQ, đốt lửa trại vừa ăn uống vừa trò chuyện. Giá từ 200.000 đến 500.000 đồng mỗi phần 4 người ăn.
![]() |
Những món ăn theo phong cách người địa phương ở A Lưới. Ảnh: Nguyễn Phong |
Hiện A Lưới có nhiều khu lưu trú được phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm thiên nhiên. Du khách cũng có thể lựa chọn lưu trú tại các nhà nghỉ, homestay ở trung tâm A Lưới như Huế crown A Lưới retreat, Mường A Lưới homestay, Ngọc Trâm homestay, Jim House homestay Hồng Hạ và Hachi homestay với mức giá dao động từ 500.000 đến 1.500.000 đồng một đêm.
Ngày 2
Ăn sáng và tham quan chợ A Lưới
Du khách có thể ghé các quán ăn địa phương ở trung tâm A Lưới để thưởng thức bữa sáng với những món đặc trưng như bánh canh cá lóc, bún bò, giá từ khoảng 20.000 đồng tùy món.
Một lựa chọn khác là ăn sáng ngay trong chợ A Lưới - khu chợ sầm uất, nơi người dân các xã vùng cao quanh đây mang nông sản đến trao đổi, buôn bán. Chợ bày bán nhiều đặc sản địa phương như măng rừng, nếp nương, thịt lợn bản cùng các loại gia vị đặc trưng như ớt, tiêu rừng, rau thơm. Chợ cũng là nơi thích hợp để du khách chọn mua quà mang về.
Tham quan sân bay Aso và cột mốc biên giới
Sau bữa sáng, du khách lên đường đến di tích sân bay Aso, một trong những cứ điểm quân sự thời chiến tranh, nằm giữa một thung lũng rộng lớn gần trung tâm thị trấn A Lưới (nay là xã A Lưới 2). Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So làm sân bay dã chiến nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn. Sân bay Aso được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận Di tích cấp Quốc gia năm 2013.
![]() |
Cột mốc 666 - biên giới Việt Nam và Lào. Ảnh: Nguyễn Phong |
Tiếp tục hành trình, du khách theo đường mòn Hồ Chí Minh đến cột mốc 666 - nơi giáp ranh giữa A Lưới (Việt Nam) và Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào). Khu vực cột mốc nổi bật với rừng nguyên sinh và không khí trong lành, thích hợp để chụp ảnh, check in.
Buổi trưa, dừng chân tại Hương Danh Homestay - điểm nghỉ chân được nhiều du khách lựa chọn khi đến A Lưới với những bữa ăn dân dã của dân địa phương chế biến từ rau rừng, cá suối, xôi nếp nương. Du khách có thể giao lưu cùng chủ nhà, tìm hiểu cách họ giữ gìn phong tục và văn hóa truyền thống.
Trải nghiệm thượng nguồn suối A Lin
Suối A Lin nằm trên địa phận xã Trung Sơn (nay thuộc xã A Lưới 1), cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 500 m về phía đông bắc. Đây là điểm đến mát mẻ, hoang sơ giữa núi rừng, nổi bật với làn nước trong xanh và nhiều bãi tắm đẹp.
Suối có nhiều hồ nước tự nhiên rộng hơn 30 m2, sâu trên 2 m, bao quanh là những tảng đá lớn tạo nên khung cảnh yên bình, nguyên sơ. Hai bên bờ suối có nhiều tảng đá lớn nhỏ và các sạp gỗ rộng rãi, thích hợp để ngồi thư giãn, trò chuyện và thưởng thức các món ăn đặc sản vùng cao A Lưới. Ngoài tắm suối, nhiều du khách còn chọn cắm trại, chèo SUP để trải nghiệm thiên nhiên. Du khách khi tắm suối cần lưu ý mặc áo phao và không bơi ở những khu vực nước sâu nếu không có người hướng dẫn hoặc đảm bảo an toàn.
Lịch trình thay thế
Đập A Lá, cầu A Vầu, suối Cân Te, rừng A Roàng- một phần của khu bảo tồn thiên nhiên A Lưới có hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan nguyên sơ. Các điểm này nằm rải rác ở các xã, với những tuyến đường đi khác nhau, thời tiết khá nắng nên cần nhiều thời gian di chuyển hơn.
Tuấn Anh