"Khi biết tôi đã cưới, những câu hỏi về tình trạng hôn nhân tự nhiên biến mất", cô nói. Điều này khiến cô hài lòng và cảm thấy quan điểm sống, giá trị của mình được chấp nhận.
Kim là một trong 6 nhân viên ở Lush Korea, chi nhánh Hàn Quốc của hãng mỹ phẩm Anh, nhận quyền lợi sologamy vào năm ngoái, gồm 500.000 won tiền thưởng và 10 ngày nghỉ trăng mật một mình, tương tự ưu đãi dành cho người kết hôn.
Sologamy là hình thức kết hôn với chính mình, nhằm khẳng định sự đủ đầy mà không cần bạn đời. Khi tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc tiếp tục giảm, ngày càng nhiều người chọn tổ chức đám cưới một mình. Họ xem đây là cách khẳng định lựa chọn cá nhân và phản ứng trước áp lực xã hội coi hôn nhân là chuẩn mực để hưởng quyền lợi.
![]() |
Nhân viên của Lush Korea tổ chức lễ cưới "độc thân" tại trụ sở công ty ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald |
Yêu bản thân là tinh thần chính của các đám cưới sologamy, nhưng văn hóa tặng tiền mừng cưới ở Hàn Quốc cũng là động lực rõ rệt.
Người Hàn thường mừng cưới bằng tiền mặt, từ 50.000 won đến hàng triệu won, với kỳ vọng sẽ được đáp lại khi họ kết hôn. Văn hóa này thịnh hành khi tỷ lệ kết hôn cao, nhưng bắt đầu gặp vấn đề khi số người lập gia đình giảm mạnh.
Lee Eun-jae, người dẫn chương trình kiêm YouTuber từng làm đám cưới sologamy, nói nhiều người chọn hình thức này để lấy lại số tiền từng mừng cưới người khác.
Giáo sư xã hội học Suh Yi-jong ở Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trước đây văn hóa mừng cưới bằng tiền được duy trì vì lợi ích chung. Tuy nhiên, khi số người độc thân tăng và lạm phát leo thang, ngày càng nhiều người cho rằng truyền thống này không còn phù hợp.
"Các nghi thức một mình gắn liền với nhận thức của người trẻ rằng kết hôn không còn là điều bắt buộc", ông nói.
Khảo sát của Cục Thống kê Hàn Quốc năm ngoái với 36.000 người cho thấy đến cuối năm 2022, chỉ 36,4% người từ 19 đến 34 tuổi có nhận thức tích cực về hôn nhân, giảm 20,1 điểm phần trăm so với 56,5% vào năm 2012.
Tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc tiếp tục chạm mức thấp kỷ lục vào năm 2022, theo dữ liệu công bố đầu năm nay. Chỉ khoảng 192.000 cặp đôi kết hôn, giảm 0,4% so với năm trước, thấp nhất kể từ năm 1970 và là năm thứ 11 liên tiếp giảm.
Lush Korea áp dụng quyền lợi sologamy từ tháng 6/2017 để nhân viên không kết hôn vẫn được hưởng đầy đủ phúc lợi. "Điều này thể hiện văn hóa tôn trọng sự đa dạng và hòa nhập", người phát ngôn Jeon Ha-na nói.
Nhiều công ty Hàn Quốc đã làm theo trong những năm gần đây.
Tháng 9/2022, Lotte Department Store bắt đầu trao tiền mặt và kỳ nghỉ cho nhân viên chưa kết hôn từ 40 tuổi trở lên, tương tự người đã lập gia đình. LG Uplus triển khai chính sách tương tự vào tháng 1 năm nay, áp dụng từ 38 tuổi.
"Chỉ sau ba tháng, 25 người đã đăng ký nhận quyền lợi sologamy", người phát ngôn Lotte nói. "Chương trình thu hút nhiều nhân viên ngoài 40, 50 tuổi không có ý định kết hôn".
Kim, nhân viên Lush Korea, nói cô hài lòng với lễ cưới tự thân, nhưng phản ứng từ người thân như vậy.
"Có người tôn trọng và ngưỡng mộ, nhưng cũng có người cho rằng tôi quyết định quá sớm", cô nói. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tìm được hạnh phúc cho riêng mình".
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)