Cô gái người Australia học tiếng Hàn nhiều năm nhưng mọi người ở khách sạn chỉ trả lời ngắn gọn. Họ lặng lẽ ăn uống, rửa bát đĩa, không ai nhìn vào mắt nhau. Nỗ lực trò chuyện của Ava Miller ở quán cà phê cũng không khá hơn.
"Ở nước tôi, khách và nhân viên thường trò chuyện về thời tiết, cuộc sống", cô nói. Ava nhận ra, trái với hình ảnh trên phim, người Hàn ít khi giao tiếp hay kết bạn với người lạ nếu không thực sự cần thiết.
Trải nghiệm của cô không phải là cá biệt. Nhiều du khách đến Hàn Quốc cũng chia sẻ cú sốc văn hóa tương tự. Các nền tảng đặt chỗ tại đất nước này thường có lựa chọn "yêu cầu không trò chuyện" khi khách hàng làm tóc, đi xe công nghệ.
Bang Eun-jung, 26 tuổi, cho rằng trò chuyện một lần với người lạ là vô nghĩa bởi không dẫn đến quan hệ lâu dài. Hai năm trước, cô đi Anh ngạc nhiên khi một nhân viên pha cà phê hỏi thăm cô từ lịch trình du lịch đến công việc ở Hàn Quốc.
"Thật sốc khi phải trò chuyện nhiều với người mà tôi sẽ không gặp lại", cô nói. Eun-jung không tìm thấy lý do phải nói chuyện với người lạ.
Còn Park Ji-yoo, sinh viên Đại học Incheon tin rằng những câu hỏi từ người lạ luôn gây cho cô căng thẳng.
Các nhân viên văn phòng, vốn phải giữ thái độ lịch sự với cấp trên và đồng nghiệp luôn muốn tránh những tình huống xã hội tương tự ngoài giờ làm.
Han Dong-jin, 36 tuổi, quản lý nhân sự tại một công ty dược Seoul, ví trò chuyện phiếm là phần kéo dài của công việc.
"Không chỉ tôi mà hầu hết nhân viên văn phòng đều đeo 'mặt nạ xã hội'", anh nói. "Suốt ngày phải lịch sự, chuyên nghiệp, nên khi ở quán cà phê hay nhà hàng, tôi chỉ muốn thả lỏng".
Dong-jin cho rằng sự im lặng sau vài câu trò chuyện thường trở nên ngượng ngùng khiến anh phải gượng nghĩ thêm chuyện để nói. Anh tin mình không bất lịch sự và chỉ muốn tận hưởng thời gian riêng mà không phải lo lắng về người khác.
Shim Ryu-jin, 32 tuổi, nói trò chuyện phiếm đôi khi xâm phạm quyền riêng tư. Cô là mẹ của bé trai ba tuổi, thường xuyên nhận được lời khen cho bé khi đi tàu điện hoặc taxi. "Nhưng một số người lại hỏi chồng tôi làm nghề gì hay chúng tôi có muốn sinh thêm con không", cô nói. "Dù bắt đầu với ý tốt nhưng nó phiền phức".
Một số chuyên gia cho rằng sự xa cách của người Hàn xuất phát từ yếu tố văn hóa và lịch sử. Theo truyền thống, họ sống trong cộng đồng gắn kết và duy trì quan hệ bền chặt từ trường học đến công việc, hình thành ranh giới rõ ràng với người ngoài.
"Trong xã hội đó, mọi người chủ yếu quen biết nhau", giáo sư Lee Dong-gwi ở Đại học Yonsei, nói. "Ngược lại, những xã hội du mục có xu hướng gặp gỡ người lạ thường xuyên".
Dù công nghiệp hóa và đô thị hóa đã biến đổi cấu trúc cộng đồng, thái độ của người Hàn đối với người lạ vẫn không khác biệt nhiều.
Giáo sư Jin Gyung-sun ở Đại học Nữ Sungshin cho rằng thế hệ trẻ, vốn am hiểu công nghệ, có xu hướng tránh trò chuyện phiếm hơn thế hệ trước.
"Họ quen với giao tiếp trực tuyến, nơi có thể chặn hoặc trì hoãn cuộc trò chuyện dễ dàng hơn", bà nói. Nhưng khi trò chuyện trực tiếp với người lạ, họ không thể kiểm soát tình huống, khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và tránh né.
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)