Đêm cuối tháng 7, màn hình máy tính của Thắng vẫn sáng. Anh đang chạy đua với thời gian để phục chế một bức ảnh liệt sĩ quê Hà Nam. Vài ngày trước, gia đình liên hệ với anh nhờ làm lại bức ảnh đã hư hỏng gần như toàn bộ, mờ tịt thành ảnh thờ. Người thân không biết chính xác ngày mất của liệt sĩ nên lấy ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 làm ngày giỗ. Nhưng mấy chục năm nay bàn thờ của anh không có di ảnh.
Lê Thế Thắng, 37 tuổi, ở xã Sao Vàng nhận lời, hứa gửi ảnh trước ngày giỗ.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm yêu cầu anh nhận được trong 10 năm qua. Thắng ước tính đã phục chế hơn 500 bức ảnh liệt sĩ, chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào của các gia đình.
![]() |
Anh Lê Thế Thắng đang phục dựng ảnh cho các liệt sĩ tại nhà riêng ở xã Thọ Lâm (cũ) nay là xã Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa, tháng 7/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thắng bắt đầu công việc đặc biệt này từ năm 2015. Một lần, cụ bà ngoài 90 tuổi chống gậy tìm đến anh chủ studio ảnh ở xã Sao Vàng, tay run run đặt lên bàn những mảnh vụn của một bức ảnh đen trắng, gói trong chiếc khăn tay ngả màu.
"Nhờ cậu cứu bức ảnh. Tôi chỉ muốn nhìn mặt con trai một lần cho rõ trước khi nhắm mắt", giọng bà lạc đi.
Đó là di ảnh duy nhất của người con trai liệt sĩ. Với Thắng, đây không phải ca phục chế khó nhất nhưng là trường hợp khiến anh trăn trở nhất. Anh hình dung hàng chục năm qua, người mẹ chỉ có thể nhớ về con qua những mảnh ký ức vụn vỡ nên quyết định làm tặng.
Suốt một tuần, cứ xong việc ở studio anh lại ngồi trước máy tính, tỉ mẩn ghép từng mảnh vỡ. Anh phải dựa vào ảnh hiện tại của người thân liệt sĩ để phác thảo lại những đường nét đã mất, sau gọi điện cho gia đình để xác nhận. Ngày anh mang tấm ảnh đến, bà cụ đón lấy, lặng nhìn. Vài giây sau, bà áp vào ngực, đôi vai gầy run run rồi nói trong tiếng nấc: "Đúng con trai mẹ rồi".
Hiểu việc mình làm không chỉ là phục dựng một tấm ảnh, mà còn giúp một người mẹ "gặp lại" con, anh Thắng nảy ý định phục chế ảnh miễn phí cho các gia đình liệt sĩ.
Bên cạnh đó, động lực lớn nhất cho công việc này còn đến từ bố anh, một người lính từng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Ông may mắn trở về nhưng mang trong mình di chứng chất độc da cam. Trí nhớ ông suy giảm, nhưng ký ức về những đồng đội đã ngã xuống thì không phai mờ.
"Sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh của thế hệ đi trước, tôi muốn làm gì đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ", anh Thắng nói.
![]() |
Ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (1948-1968) quê ở Văn Long, Hạ Hòa, Phú Thọ, hy sinh tại Quảng Trị, được anh Thắng phục dựng đầu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thử thách lớn nhất với anh Thắng là tái tạo chân dung từ những bức ảnh gần như bị thời gian xóa sạch.
Có trường hợp ảnh liệt sĩ chỉ còn một phần gương mặt. Để phục dựng anh phải thức hai đêm, dùng ảnh của hai người em trai, chắt lọc đường nét của mỗi người, kết hợp thêm sự hình dung để "nặn" lại một khuôn mặt hoàn chỉnh. "Lúc làm chỉ sợ không giống, có lỗi với người đã khuất, nhưng tôi thở phào nhẹ nhõm khi gia đình công nhận giống hơn 90%", anh kể.
Thời gian đầu, anh làm giúp người dân trong xã, huyện. Những lần đi chụp ảnh cho khách, thấy gia đình nào thờ ảnh liệt sĩ đã mờ, anh ngỏ lời phục chế giúp miễn phí.
Ba năm nay, việc làm của anh được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, số lượng ảnh gửi về tăng vọt, có ngày nhận tới 20 yêu cầu. Nhiều đêm anh phải thức trắng để xử lý những bức ảnh hư hỏng nặng. Thắng cho biết, một tấm ảnh thường mất 4-6 tiếng, nhưng ảnh khó có thể kéo dài hai, ba ngày khi phải xin thêm ảnh của người thân liệt sĩ để tìm nét tương đồng, sau đó liên tục trao đổi với gia đình để tinh chỉnh.
"Công việc này chiếm nhiều thời gian, cũng ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng tôi thấy áy náy nếu từ chối. May mắn là vợ con và gia đình hai bên đều ủng hộ vì biết đây là việc nên làm", anh nói.
Anh không nhớ chính xác đã phục dựng bao nhiêu tấm ảnh, nhưng ước tính riêng ba năm gần đây là khoảng 500 chân dung liệt sĩ. Ngoài phục chế, anh còn tự bỏ tiền in ảnh, đóng khung và gửi tặng các gia đình.
Gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp công việc của anh hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian xử lý ảnh khó. Tuy nhiên, anh Thắng khẳng định AI chỉ là công cụ. "Để tạo ra một bức ảnh có hồn, không gì thay thế được sự tỉ mỉ và cảm nhận của con người", anh nói.
Ngoài hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong tỉnh Thanh Hóa, anh Thắng nhận nhiều cuộc gọi từ Hà Nội, Nam Định đến TP HCM, Kiên Giang.
![]() |
Anh Lê Thế Thắng trao ảnh phục dựng của liệt sĩ Lê Văn Ngãi (1949-1969) về cho người thân tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, đầu tháng 7/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Giữa tháng 6, anh Nguyễn Duy Thắng, 36 tuổi, ở xã Quốc Oai, Hà Nội liên hệ nhờ anh Thắng phục dựng ảnh ông ngoại hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ban đầu còn hoài nghi, nhưng 10 ngày sau, khi nhận được ảnh, cả gia đình anh đã bật khóc vì chân dung của ông quá chân thực và sắc nét.
Những ngày cuối tháng 7, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Yên Trường, tỉnh Thanh Hóa "vui như Tết" khi chuẩn bị đón di ảnh của liệt sĩ Trịnh Minh Tâm, hy sinh năm 1968, bác chồng chị. Chỉ ba ngày sau khi liên hệ với anh Lê Thế Thắng, gia đình đã nhận được file ảnh phục dựng.
Chị Hạnh cho biết, tất cả thành viên trong gia đình đều công nhận bức ảnh "rất giống bác hồi trẻ", khác hẳn với bức tranh gia đình thuê người vẽ. "Gia đình tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn anh Thắng, mong anh thật nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ các gia đình liệt sĩ khác", người phụ nữ 32 tuổi nói.
Còn với anh Lê Thế Thắng, niềm vui lớn nhất không phải là những lời cảm ơn, mà là khoảnh khắc thấy những người mẹ, người cha tuổi gần 100, áp tấm ảnh con vào ngực để vơi bớt nỗi nhớ.
"Tôi mong có thể dùng sức mình hàn gắn những mảnh ký ức, để những người lính được "trở về" trọn vẹn trong vòng tay gia đình. Còn người cần, tôi còn tiếp tục", anh nói.
Quỳnh Nguyễn