Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp do Chính phủ phê duyệt ngày 14/4, việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập được ưu tiên đặt cho đơn vị hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan. Tên gọi mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Thủ tướng khuyến khích các địa phương nghiên cứu đặt tên phường xã theo số thứ tự hoặc kết hợp tên huyện cũ với số thứ tự. Mục đích tạo thuận lợi cho quá trình số hóa, cập nhật dữ liệu sau khi đơn vị hành chính mới được thành lập.
Sau khi có hướng dẫn của Chính phủ, từ ngày 15/4 đến nay, 63 tỉnh thành đã lên phương án sáp nhập xã phường và lấy ý kiến người dân thông qua phát phiếu, hoặc họp thôn, tổ dân phố. Trong đó hàng loạt địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Khánh Hòa lấy tên xã phường theo tên quận huyện cũ và gắn số thứ tự.
Đơn cử tại Hải Dương, tên TP Hải Dương được đặt cho 9 phường kèm số từ 1 đến 9; tên TP Chí Linh đặt cho 5 phường kèm số 1-5; tên huyện Tứ Kỳ đặt cho 6 xã và gắn số 1-6. Tại TP Hải Phòng, hầu hết 50 phường xã được lấy lại tên quận huyện cũ kèm số thứ tự, trừ 4 phường ở quận Lê Chân và Ngô Quyền. Tại Đà Nẵng, toàn bộ 18 phường xã mới đều được đánh số, trừ đặc khu Hoàng Sa.
![]() |
Một góc trung tâm Đà Nẵng, nơi có tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng, thuộc phường Thạch Thang nhưng tới đây sáp nhập thành phường Hải Châu, tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ủng hộ chủ trương sáp nhập phường xã, tuy nhiên ngư dân Huỳnh Văn Mười (58 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chia sẻ băn khoăn khi nhập ba phường Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông thành phường mới Sơn Trà 2. Sơn Trà gắn liền với núi Sơn Trà, trong khi các phường hiện nay đều là vùng biển, riêng Mân Thái còn nổi tiếng với nghề làm mắm nhỉ cá cơm.
"Việc đánh số như Sơn Trà 1, Sơn Trà 2 khiến tên gọi khô cứng, khó nhận diện và dễ cảm giác bị phân biệt số 1, số 2. Tại sao không đặt tên theo những địa danh cổ như Vũng Thùng, Vũng Úc hay Nam An - làng chài cổ dưới chân núi Sơn Trà?", ông Mười đặt câu hỏi.
Cũng băn khoăn với tên xã mới, anh Trần Đình Quốc Khương (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết phương án ban đầu xã Đại Quang và xã Đại Nghĩa sáp nhập, lấy tên mới Đại Lộc 2. "Tên gọi này lấy theo kiểu máy móc, không có ý nghĩa. Khi sáp nhập cần lấy vùng đất, làng quê để dễ nhớ, dễ nhận diện. Khi nhắc đến địa danh người dân sẽ hình dung ra nơi đó ở đâu, còn để Đại Lộc 2 thì không biết ở đâu, mất vài năm mới nhận diện địa điểm này", anh nói.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử bày tỏ không đồng tình với phương án lấy tên quận huyện gắn với số thứ tự. Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn (phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) cho rằng cách đặt tên này có thể nhanh, ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với thời đại công nghệ số, nhưng khô khan, thiếu bản sắc. Nếu dùng số thì theo năm tháng giới trẻ sẽ quên đi những cái tên đã gắn bó với quá trình hình thành, xây dựng, bảo vệ và phát triển của quê hương, đất nước.
Về phương án dùng số cho tên phường xã, ông Tăng Bá Hành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương nói: "Bất đắc dĩ lắm mới phải đánh số. Không ai muốn người ta gọi mình là ông 1, bà 2 cả". Mặt khác, đánh số 1, 2, 3 thì khó hình dung được lịch sử ra đời, bản sắc văn hóa, tính chất địa lý của từng vùng.
Trái với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đánh giá cách lấy lại tên quận huyện cũ và gắn số thứ tự vừa bảo lưu được tên quận huyện, trong đó có những tên gọi "ba trong một" (vừa là tên quận huyện, vừa là tên xã phường được hợp nhất, vừa là địa danh cổ) chẳng hạn Hải Châu, Thanh Khê ở Đà Nẵng; hoặc hai trong một (vừa là tên quận huyện vừa là địa danh cổ) như Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang.
"Điều quan trọng là giữa tháng 4 do phải tuân thủ chỉ đạo chung từ trung ương, Đà Nẵng vẫn dùng cách đặt tên kèm số, mặc dù cũng thấy chưa phải là phương án tối ưu", ông nói và cho rằng việc bỏ tên địa danh cổ khi sáp nhập là đáng tiếc, nhưng bảo tồn địa danh lịch sử văn hóa của ông cha xưa không chỉ bằng cách đặt tên phường mà còn bằng cách đặt tên trường học, tên đường. Mấy chục năm nay, Đà Nẵng đặt rất nhiều tên đường bằng địa danh cổ kèm số như Xuân Thiều, An Hải, Phong Bắc, Nại Hiên Đông...
"Quan trọng là giữ được ký ức văn hóa trong đời sống người dân", ông Tiếng nói.
Nhanh chóng thay đổi, bỏ tên gắn số thứ tự
Ba ngày sau khi thông qua nghị quyết về phương án sắp xếp các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn, ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất bỏ cách đặt tên theo số thứ tự hay hướng địa lý như dự kiến ban đầu. Tỉnh ưu tiên lựa chọn những tên gọi gắn liền với di tích lịch sử, vùng đất, làng, sông, suối hoặc các di sản văn hóa nổi tiếng.
Đơn cử 6 xã của huyện Đại Lộc được đặt là Đại Lộc kèm số thứ tự từ 1 đến 6 đã thay đổi lần lượt là Đại Lộc, Trường An, Hà Nha, Thượng Đức, Vu Gia, Phú Thuận. 6 xã của huyện Tây Giang được đổi thành A Vương, Tây Giang, Lăng, Tr’hy, Axan, Ch’ơm, thay vì là Tây Giang 1, Tây Giang 2...
![]() |
TP Hội An dự kiến giảm từ 9 phường xã xuống 4. Ảnh: Đắc Thành |
Đà Nẵng một tuần sau khi đưa ra phương án tên phường xã gắn số thì ngày 22/4 cũng thay đổi. Thành phố sử dụng tên của 7 quận, huyện hiện tại đặt cho phường mới, bao gồm phường Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và xã Hòa Vang.
Nhiều tên phường mới được đặt theo tên làng có lịch sử lâu đời từ thời vua Đồng Khánh, như Thạch Thang, Hải Châu, Thạc Gián và làng An Hải. Một số địa danh nổi tiếng cũng được sử dụng để đặt cho các xã mới, ví dụ phường Hải Vân (hình thành từ việc sáp nhập phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Bắc, gắn với đèo Hải Vân) và xã Bà Nà (hình thành từ việc sáp nhập xã Hòa Ninh và Hòa Nhơn, gắn với khu du lịch Bà Nà Hills).
Tương tự 5 ngày sau khi công bố phương án sáp nhập xã phường, ngày 23/4, TP Hải Phòng đã thay đổi tên gọi 24 phường, 24 xã. Thành phố xóa bỏ tên gắn số thứ tự, thay vào đó lựa chọn tên quận huyện đặt cho một phường xã, các đơn vị còn lại thì lấy tên một phường thuộc nhóm sáp nhập. Cũng có phường được lấy tên hoàn toàn mới, như Nguyễn Bỉnh Khiêm (danh nhân văn hóa quê huyện Vĩnh Bảo) được đặt cho ba phường Trần Dương, Hòa Bình, Lý Học.
Ngày 23/4, Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất phương án đặt tên đơn vị hành chính cấp xã theo tên địa danh, danh nhân, thay vì lấy tên thành phố, huyện gắn với số thứ tự như công bố trước đó. Ban đầu TP Hải Dương được chia thành 9 phường, lấy tên Hải Dương và gắn số thứ tự thì đã được đổi lần lượt là Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Việt Hòa, Thành Đông, Nam Đồng, Tân Hưng, Thạch Khôi, Tứ Minh, Ái Quốc. Đây đều là tên một trong các phường trước khi sáp nhập.
Đến trưa 24/4, Tỉnh ủy Hải Dương lại quyết định lấy tên Hải Dương thay cho tên Quang Trung của phường mới sau sắp xếp. Trước động thái chính quyền tiếp thu ý kiến người dân, ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, nói: "Cá nhân tôi rất vui. Tên Hải Dương có từ năm 1469, cần được giữ lại".
Theo Nghị quyết 60 của trung ương, chính quyền địa phương được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). UBND các tỉnh, thành sẽ lập hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 1/5. Bộ Nội vụ sau đó thẩm định và lập hồ sơ để trình Chính phủ trước 30/5, sau đó Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã. Các xã, phường mới sẽ hoạt động trước 15/8 và các tỉnh thành trước 15/9.
Lê Tân - Nguyễn Đông - Đắc Thành