Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP HCM, ba địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được đề xuất đặt tên cho các phường mới ở quận 1, 5 và Bình Thạnh. Nếu được thông qua, kể từ ngày 2/7/1976, sau sự kiện đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP HCM, các địa danh này chính thức trở lại bản đồ hành chính của thành phố.
Địa danh Sài Gòn có trên 300 năm, xuất hiện lần đầu trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn: "Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn (âm Hán Việt là Sài Côn)".
Tuy vậy tên gọi Sài Gòn có khi nào và nguồn gốc từ đâu đến nay chưa thống nhất. Trong Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh (2001), nhóm tác giả đã tổng hợp 5 giả thuyết về nguồn gốc từ Sài Gòn gồm: Thầy Gòn; Đê Ngạn, Đề Ngạn (Vùng đất ăn nên làm ra – Vương Hồng Sển), Tây Cống (Cống phẩm của phía Tây - Học giả người Pháp Louis Malleret); Củi Gòn, Cây Gòn (Huỳnh Tịnh Của), Prey Kor, Cai Ngon (Trương Vĩnh Ký), Glainagara; Prey Nokor hay Brai Nagara. Prey Nokor phiên âm theo tiếng Khmer, là "thị trấn giữa rừng".
Nhu00e0 thu1edd u0110u1ee9c Bu00e0 Su00e0i Gu00f2n (nu1eb1m u1edf phu01b0u1eddng Bu1ebfn Nghu00e9, nu01a1i du1ef1 tu00ednh thay u0111u1ed5i tu00ean thu00e0nh phu01b0u1eddng Su00e0i Gu00f2n) nhu1eefng nu0103m u0111u1ea7u thu1ebf ku1ef7 20 vu00e0 lu00fac chu01b0a tiu1ebfn hu00e0nh tu su1eeda. u1ea2nh: Tu01b0 liu1ec7u - Quu1ef3nh Tru1ea7n
"'>
![]() |
Tàu lửa đi trên đường Bùi Hữu Nghĩa để ra ga Gia Định, hay còn gọi ga Bà Chiểu (nay thuộc quận Bình Thạnh) những thập niên đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, dù nguồn gốc từ đâu thì xuất phát điểm ban đầu của Sài Gòn để chỉ một xứ đất, một vùng đất rộng lớn bao gồm cả khu vực Chợ Lớn, không phải là cấp hành chính cụ thể. Ngay thời điểm tháng 2/1698 - cột mốc khai sinh ra vùng đất Sài Gòn, tên gọi này không được Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng.
327 năm trước, Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Kinh lược sứ, lập phủ Gia Định với hai huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, địa bàn trải rộng từ Bà Rịa đến sông Vàm Cỏ.
Trong bộ sách Sài Gòn, Gia Định, TP HCM, tác giả Nguyễn Đình Tư cho hay đến năm 1861, người Pháp bắt đầu ấn định ranh giới và lập TP Sài Gòn. Ban đầu, thành phố bao gồm một số xã thôn của huyện Bình Dương và huyện Tân Long, phủ Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định cũ. Kỹ sư Coffyn được giao vẽ bản đồ chỉnh trang thành phố cho 500.000 dân. Tuy nhiên, đề án này không thực hiện được vì khu vực ấn định quá lớn, khả năng ngân sách không cho phép.
Với tình thế này, chính quyền buộc phải điều chỉnh lại ranh, TP Sài Gòn thu hẹp với trung tâm là khu vực Bến Nghé (quận 1 ngày nay), tách biệt với khu vực Chợ Lớn phía quận 5, 6.
Ngày 8/1/1877, Tổng thống Pháp là Thống chế De Mac Mahon ký ban hành Sắc lệnh lập TP Sài Gòn, xếp vào thành phố cấp I. Chính quyền xây dựng ở đây hàng loạt công trình tiêu biểu trở thành biểu tượng của Sài Gòn như Dinh Độc Lập (Dinh Norodom), Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, Nhà hát Lớn Sài Gòn, Chợ Bến Thành, bệnh viện, trường học, hệ thống điện, thoát nước, giao thông công cộng... Sài Gòn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Trong khi đó, phía Chợ Lớn vốn gắn với cộng đồng người Hoa không phục nhà Thanh từ Quảng Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc) sang lánh nạn. Trong sách Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức viết, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thanh Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn). Minh Hương cũng là tên gọi chung cho người Hoa ở Sài Gòn từ thời điểm đó, họ xem mảnh đất này như quê hương mới. Người Minh Hương giỏi thương thuyền góp phần không nhỏ trong hình thành khu mua bán sầm uất như Chợ Lớn ngày nay.
Ban đầu, tên gọi Chợ Lớn để chỉ nơi mua bán sầm uất của xứ Sài Gòn phân biệt với chợ Tân Kiểng (Chợ Quán) thuộc tỉnh Gia Định. Tuy nhiên, khi người Pháp lập ranh, đặt tên TP Sài Gòn xác định Chợ Lớn là khu vực phía quận 5, quận 6 ngày nay. Khi đó, nơi này được gọi là "Ville de Chợ Lớn", tức chỉ nơi đô hội, mua bán sầm uất.
Chu1ee3 Bu00ecnh Tu00e2y, thuu1ed9c khu vu1ef1c Chu1ee3 Lu1edbn, nhu1eefng nu0103m 1930 gu1ea7n nhu01b0 khu00f4ng thay u0111u1ed5i so vu1edbi hiu1ec7n nay. u1ea2nh: Tu01b0 liu1ec7u - Quu1ef3nh Tru1ea7n
"'>
![]() |
Ranh giới Chợ Lớn bắt đầu được chính quyền tính toán vào năm 1865, bao quanh các rạch Tàu Hủ, Lò Gốm, đường Chassloup Laubat (Hồng Bàng ngày nay)... Ngày 20/10/1879, Thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập TP Chợ Lớn và xếp vào thành phố loại II.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, việc sáp nhập Sài Gòn và Chợ Lớn làm một đơn vị hành chính đã được người Pháp nghĩ tới từ năm 1880 nhưng lúc bấy giờ giữa hai đô thị này còn có một số làng nông thôn. Mãi đến ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh nhập hai thành phố để thành lập khu Sài Gòn - Chợ Lớn (Région de Saigon – Cholon). Tuy nhiên, phải đến năm 1950, nhờ quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, hai thành phố mới nối được với nhau.
Năm 1951, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn đổi thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và đến năm 1956 rút gọn thành Đô thành Sài Gòn. Kể từ đây, địa danh Chợ Lớn quay trở lại xuất phát ban đầu là chỉ một khu vực chỉ quận 5, 6.
Địa danh Gia Định ngay từ đầu được xác lập là một đơn vị hành chính với tên gọi phủ Gia Định. Tên gọi này đặt với hàm ý vùng đất đã sắp xếp an ổn, vững vàng và xác lập tỉnh vào năm 1836.
Sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ, người Pháp phân chia và tổ chức Nam Kỳ lục tỉnh thành nhiều tỉnh nhỏ. Tỉnh Gia Định được chia ra thành 5 gồm Gia Định, Chợ Lớn (khác với thành phố Chợ Lớn), Tân An, Tây Ninh và Gò Công. Năm 1900, Gia Định là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ.
Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia lại địa bàn gồm 22 tỉnh và Đô thành Sài Gòn. Trong đó Gia Định được chia thành nhiều tỉnh nhỏ hơn như Bình Dương, Hậu Nghĩa và Gia Định. Từ thời điểm này, tỉnh Gia Định bao quanh Đô thành Sài Gòn với các quận Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Quảng Xuyên (một phần của Cần Giờ ngày nay) và Cần Giờ.
![]() |
Tháng 5/1975, tỉnh Gia Định (trừ Cần Giờ), một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa sáp nhập với Đô thành Sài Gòn trở thành TP Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 2/7/1976, TP Sài Gòn - Gia Định chính thức đổi tên là TP HCM. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho rằng các địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định không còn trên bản đồ hành chính, nhưng vẫn tồn tại qua nhiều thập kỷ bởi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển của vùng đất, gắn với nhiều thế hệ và là những địa danh quan trọng nhất ở Nam Bộ. Các tên gọi này vẫn tồn tại qua các thương hiệu sản phẩm như bia, thuốc lá, siêu thị, bệnh viện, trường học, sông Sài Gòn, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài...
Theo ông Lợi, việc thành phố có ý định dùng các tên gọi trên đặt tên cho phường là có hàm ý tốt, muốn lưu giữ các địa danh. Tuy nhiên, nhiều năm nghiên cứu về lịch sử thành phố, ông Lợi vẫn băn khoăn vì khi lấy tên này đặt cho phường sẽ khiến các địa danh vốn được xem là "di sản văn hóa" của bao lớp người lại khu biệt trong một đơn vị hành chính cấp phường.
"Những người gắn bó với cả vùng đất Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định sẽ có những tâm tư nhất định vì cảm giác địa danh đó không còn là của mình nữa", ông Lợi nói. Thay vào đó, muốn lưu giữ tên các địa danh, chính quyền hoàn toàn có thể chuyển tải qua các sản phẩm văn hóa, du lịch, thương hiệu sản phẩm. Tâm thức của cộng đồng chính là nơi lưu giữ mạnh mẽ những giá trị của địa danh qua những trường kỳ lịch sử.
KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng TP HCM), cho rằng việc lấy những tên gắn với lịch sử vùng đất đặt cho phường mới là lời nhắc nhớ những địa danh.
"Tên là một phần của đô thị nhưng điều làm nên bản chất đô thị là dân số, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử... Vì vậy tên nào phù hợp thì tùy quan điểm mỗi người nhưng cái tên không thay đổi bản chất khu đô thị đó", ông Vũ nói, cho biết Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được đặt cho một phường nhưng vẫn nằm trong lòng đô thị cùng tên trước đây, chỉ dẫn cho một vùng.
"Giống như các thành phố khác dù tên gọi được dùng cho một phường thì khi nhắc đến ta vẫn gọi đi Nha Trang, Đà Lạt chứ không ai gắn thêm phường vào đó", ông Vũ nói.
Lê Tuyết