![]() |
Bảo tàng Không quân phía Nam (đường Thăng Long) thành lập năm 1994, trưng bày khoảng 350 hiện vật, tư liệu và hình ảnh về lịch sử của không quân Việt Nam.
Ngoài trời là khu trưng bày 7 máy bay chiến đấu từng được sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong ảnh là tiêm kích MiG-21, số hiệu 4326, đặt ngay lối vào bảo tàng. Chiếc này đã tham gia nhiều trận đánh, do nhiều phi công lái và bắn rơi 13 máy bay của địch.
MiG-21 là loại máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh một chỗ ngồi, do Liên Xô thiết kế và sản xuất từ những năm 1950. MiG-21 có thiết kế nhỏ gọn, dài khoảng 15,5 m, sải cánh 7,15 m và tốc độ tối đa lên tới hơn 2.100 km/h. Máy bay có khả năng bay ở độ cao lên tới 19.000 m và được trang bị pháo 23 mm cùng tên lửa không đối không hoặc bom.
![]() |
Cạnh đó là tiêm kích ném bom F5, số hiệu 7579, là chiến lợi phẩm của bộ đội thu được từ đối phương năm 1975. Chiếc này đã được phi công điều khiển, tham gia các trận đánh ở chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978.
Tiêm kích ném bom F-5 do hãng Northrop (Mỹ) thiết kế và sản xuất những năm 1960. Đây là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ siêu âm, có thiết kế nhỏ gọn, tốc độ cao và khả năng cơ động tốt.
![]() |
Máy bay trinh sát Cessna U-17A cũng được bộ đội thu được trong năm 1975. Chiếc này được các phi công thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm, phát hiện nhiều mục tiêu của tổ chức vũ trang phản động Fulro. U-17A cũng tham gia giúp bộ đội hỗ trợ người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Máy bay U-17 là phiên bản quân sự của dòng Cessna 185 Skywagon do Mỹ sản xuất, thường được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, liên lạc và vận tải nhẹ. Máy bay có thiết kế gọn nhẹ với chiều dài gần 9 m, sải cánh gần 11 m và tốc độ bay tối đa khoảng 274 km/h.
![]() |
Máy bay ném bom A-37, số hiệu 0475 cũng là chiến lợi phẩm thu được trong năm 1975. Chiến đấu cơ này thuộc biên chế phi đội Quyết Thắng. Ngày 28/4/1975, phi công Từ Đễ lái chiếc này để trút loạt bom đầu tiên trong trận đánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. |
![]() |
Trực thăng UH-1 ký hiệu 0372, thuộc Trung đoàn Không quân 917. Chiếc này này đã phối hợp các lực lượng thuộc Quân khu 5, 7 và 9 truy quét tổ chức vũ trang phản động Fulro Phunro ở Tây Nguyên. UH-1 cũng lập nhiều chiến công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
UH-1 còn được gọi là “Huey”, là loại trực thăng đa năng do hãng Bell Helicopter (Mỹ) sản xuất. Phương tiện dài khoảng 17 m, cao 4,39 m, tốc độ bay tối đa lên đến 217 km/h và có thể bay xa hơn 500 km; được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như vận chuyển binh lính, hàng hóa, y tế và cả yểm trợ hỏa lực từ trên không.
![]() |
![]() |
Trực thăng Mi-24 (số hiệu 7403) của phi đội 5, đoàn không quân Ba Vì, từng tham gia các trận đánh chống lại tàn quân Khmer Đỏ trong giai đoạn 1984-1986.
Mi-24 là loại trực thăng chiến đấu hạng nặng do Liên Xô phát triển từ cuối thập niên 1960. Nó có thể vừa chở quân vừa yểm trợ hỏa lực, trang bị súng máy, rocket và tên lửa chống tăng.
![]() |
Bên trong bảo tàng gồm hai tầng, trưng bày hình ảnh, tài liệu và hiện vật về các giai đoạn phát triển của lực lượng không quân. |
![]() |
![]() |
Tên lửa Sidewinder (ảnh trước) mà Mỹ đã bắn xuống khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) nhưng không nổ. Tên lửa được các chiến sĩ công binh tháo gỡ ngay sau khi trận đánh kết thúc.
Ảnh sau là giá treo trên lửa của máy bay MIG-21 số hiệu 5320. Ngày 5/7/1972, phi công Nguyến Tiến Sâm đã điều khiển máy bay này phóng một quả tên lửa, làm nổ tung chiếc F-4E của không quân Mỹ.
![]() |
![]() |
Rocket C-5M được phi công Nguyễn Văn Minh của Trung đoàn 921 dùng trong trận đánh ngày 9/10/1966, bắn hạ hai máy bay tiêm kích ném bom F4 của Mỹ.
Ảnh sau là súng máy Aircraft machine gun do Mỹ sản xuất, lắp trên máy bay UH.1, được quân đội sử dụng trong chiến dịch truy quét tổ chức vũ trang phản động Fulro Phunro ở Tây Nguyên.
![]() |
Một trong những động cơ của máy bay AERO.45 do Tiệp Khắc sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam năm 1956. Đây là loại máy bay đầu tiên mà không quân ta sử dụng để huấn luyện phi công. |
![]() |
Đài bán dẫn do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (1936-2019). Ông là một trong những phi công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, từng lái MiG-17 và lập chiến công bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Năm 1967, ông Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
![]() |
Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần từ 7h đến 16h, khách tham quan miễn phí.
Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam được thành lập năm 1963 trên cơ sở sáp nhập Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Quân chủng có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ không phận, mặt đất và biển đảo Việt Nam; cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ khác.
Quỳnh Trần