Từ ngày 1/7, tỉnh Quảng Ngãi mới chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp, sau khi hợp nhất với Kon Tum. Ông Nguyễn Hoàng Giang được Trung ương chỉ định làm Chủ tịch UBND tỉnh mới.
VnExpress trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Giang về lợi thế của tỉnh, cũng như việc vận hành chính quyền hai cấp, thu hút đầu tư, cải cách hành chính tại tỉnh có diện tích thứ 5 cả nước.
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh |
- Việc sáp nhập Quảng Ngãi và Kon Tum mang ý nghĩa như thế nào?
- Quảng Ngãi và Kon Tum sáp nhập theo chỉ đạo của Trung ương để tinh gọn bộ máy hành chính, giảm số lượng tỉnh thành. Các tỉnh được sáp nhập sẽ bổ sung những lợi thế về vị trí địa lý, con người, tài nguyên, cơ cấu nền kinh tế... cho nhau, mở ra không gian phát triển.
Nói về việc "về chung một nhà", tôi nhớ đến câu ca dao nổi tiếng của người miền Trung: "Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên". Câu ca dao như chứng tích về sự giao thương và mối duyên rừng và biển đã có từ xưa.
Giờ đây, sự hợp nhất hai tỉnh là bước tiếp theo của hành trình đó, nhưng ở một tầm vóc lớn hơn. Quảng Ngãi mới sẽ có diện tích khoảng 14.830 km2, đứng thứ 5 cả nước, với địa thế "tựa sơn, hướng thủy". Phía đông là đường bờ biển 129 km, phía tây là đường biên giới 292 km, giáp ranh Lào, Campuchia.
Tỉnh nằm ngay trung tâm của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, với nền kinh tế đa dạng từ công nghiệp đến nông lâm nghiệp, dịch vụ, trải dài từ rừng tới biển.
Tỉnh có 2,16 triệu dân, với 43 dân tộc anh em. Với hình dung đó, tôi tin rằng tỉnh Quảng Ngãi mới có đủ tiềm năng để phát triển bền vững và đồng đều, với mục tiêu người dân từ miền biển đến vùng cao đều có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Ông nói cụ thể hơn về những lợi thế của tỉnh Quảng Ngãi mới?
- Quảng Ngãi trước đây đã có nền tảng phát triển công nghiệp bắt đầu từ sự hình thành của Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước; tiếp đó là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với 44 dự án FDI. Những năm gần đây, tỉnh có dự án thép Hòa Phát đóng góp lớn cho GDP cũng như tạo việc làm cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh có các nhà máy chế biến nông sản nổi tiếng như nhà máy đường, nhà máy mì, cùng các nhà máy chế biến dăm gỗ, giấy...
![]() |
Khu Kinh tế Dung Quất, nơi có nhiều doanh nghiệp trụ cột của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp như Nhà máy lọc dầu, Nhà máy thép Hòa Phát. Ảnh: Phạm Linh |
Là tỉnh duyên hải với 129 km bờ biển, Quảng Ngãi có nhiều cảng nước sâu với 31 cầu cảng (dự kiến sẽ nâng lên 41); đội ngư dân hùng hậu với khoảng 5.000 tàu cá, mang lại sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.
Bờ biển dài cũng ban tặng cho tỉnh những bãi biển đẹp và các mũi, gành với địa chất trầm tích núi lửa thu hút du khách. Trong đó các bãi biển như Mỹ Khê, Châu Tân đã trở thành những từ khóa nổi tiếng. Về du lịch văn hóa và bản sắc, chúng tôi có đảo Lý Sơn, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa và đầm An Khê với nền văn hóa Sa Huỳnh cổ...
Trong khi đó, Kon Tum lại có lợi thế nông nghiệp, rừng, là vùng nguyên liệu cà phê, cao su lớn; đặc biệt là kho báu dược liệu quý là sâm Ngọc Linh với hơn 4.000 ha, cùng các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Về du lịch, Kon Tum có Măng Đen - nơi có khí hậu mát mẻ, thường được so sánh với Đà Lạt, và bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao. Cửa khẩu Bờ Y sẽ mở ra những triển vọng hợp tác giao thương với ba nước Lào, Campuchia và Thái Lan.
Sau khi hai tỉnh hợp nhất, Quảng Ngãi có đầy đủ lợi thế từ biển tới rừng, từ công nghiệp, nông nghiệp đến du lịch, đặc biệt là những ngành mũi nhọn. Nguồn lực con người với 2,16 triệu dân, vừa là lực lượng lao động vừa là thị trường tiêu thụ.
- Quảng Ngãi sẽ làm thế nào để tận dụng những lợi thế này?
- Đầu tiên, hạ tầng giao thông phải đi trước, mục tiêu kết nối thông suốt, thuận lợi từ đảo Lý Sơn đến cửa khẩu Bờ Y.
Trước mắt, tỉnh sẽ mở rộng quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi và Kon Tum trong khi chờ cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum hoàn thành (đến 2030). Tiếp đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu tuyến kết nối Tây Nguyên và ra cửa khẩu. Về đường thủy, cảng Dung Quất sẽ được mở rộng. Tỉnh cũng có hai dự án sân bay ở Lý Sơn và Măng Đen đang được nghiên cứu.
Trong tương lai, Quảng Ngãi sẽ nâng cấp cửa khẩu quốc tế Bờ Y thành trung tâm thương mại xuyên biên giới kết nối Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.
Song song với "hạ tầng cứng" là "hạ tầng mềm", Quảng Ngãi quán triệt sâu sắc tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, coi người dân và doanh nghiệp là khách hàng... thay vì đối tượng quản lý. Tỉnh sẽ cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, chuyển đổi số, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để thu hút FDI. Gần đây, chúng tôi đã dịch hơn 116 thủ tục hành chính ra tiếng nước ngoài.
Hạ tầng thông suốt sẽ giúp Quảng Ngãi tăng sức hút với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực mà chúng tôi hướng đến là công nghiệp, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch...
Với công nghiệp, Quảng Ngãi coi đây là trụ cột, đóng vai trò then chốt để phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ tập trung xây Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, với xu hướng chú trọng hàm lượng khoa học công nghệ, năng lượng sạch.
Các vùng nông nghiệp sẽ theo hướng chuyên canh, đặc biệt sâm Ngọc Linh sẽ mở rộng diện tích lên 6.000 ha. Để nâng giá trị nông sản, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, tỉnh sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu.
![]() |
Xã Măng Đen thuộc tỉnh Quảng Ngãi - nơi có khí hậu giống Đà Lạt, đã phát triển những khu nghỉ dưỡng thu hút du khách. Ảnh: Trần Hóa |
Với du lịch, tỉnh tiếp tục định hướng xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển – đảo quốc gia, Măng Đen thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa bản địa. Đồng thời, Quảng Ngãi phát triển đô thị ven sông Trà Khúc, Đăk Bla, dọc biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh; kết hợp bảo tồn, quảng bá lễ hội, ẩm thực và di sản phi vật thể tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách.
Về con người, tỉnh nâng chất lượng y tế ở vùng núi, hải đảo để chăm sóc sức khỏe người dân; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề ở nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Tỉnh sẽ làm gì để duy trì tăng trưởng 8,5% trong năm 2025?
- Để tăng trưởng GRDP 8,5% năm 2025 theo chỉ tiêu Chính phủ giao và góp phần vào tăng trưởng chung cả nước, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý, sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, Quảng Ngãi bám sát bốn nghị quyết quan trọng (bộ tứ trụ cột) của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, hoàn thiện thể chế và phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các dự án động lực như Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất, VSIP II Quảng Ngãi, dự án sản xuất thép ray đường sắt cao tốc, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư vào công nghệ cao, năng lượng sạch và chế biến sâu nông sản, đặc biệt là sâm Ngọc Linh; song song với triển khai các đề án lớn và kế hoạch dài hạn.
Tín hiệu đáng mừng là tỉnh Quảng Ngãi (mới) có GRDP quý II năm 2025 tăng 13,02% và 6 tháng đầu năm 11,51%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, và nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước sau sáp nhập.
- Sau ngày 1/7, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến giải quyết các thủ tục hành chính, Quảng Ngãi làm thế nào để việc này không bị gián đoạn?
- Quảng Ngãi có địa bàn rất rộng, do đó Trung ương đồng ý trước mắt để một số cán bộ ở cơ sở để sát dân. Tỉnh đang đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cơ sở 2 tại phường Kon Tum, bên cạnh trụ sở ở số 54 Hùng Vương, để giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền sở, ban ngành.
![]() |
Khu vực trung tâm Quảng Ngãi. Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, UBND cấp huyện cũ sẽ được tiếp nhận và giải quyết thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã mới.
Người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn một trong các phương thức nộp hồ sơ sao cho thuận tiện nhất, đó là: Nộp trực tiếp, nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nộp qua đường bưu điện.
Đối với những thủ tục hành chính được quy định thực hiện "phi địa giới hành chính" ở Quảng Ngãi thì người dân, doanh nghiệp đều có thể nộp trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của bất kỳ xã nào hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ngãi. Ví dụ như người dân ở phường Cẩm Thành có thể đăng ký hộ kinh doanh ở Măng Đen.
Trong quá trình chỉ đạo sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan không được làm gián đoạn hoạt động giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.
Đối với các hồ sơ đang xử lý chưa xong, nhất là hồ sơ trong lĩnh vực đất đai do UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận trước ngày 1/7, được yêu cầu bàn giao chuyển tiếp về cho UBND cấp xã mới tiếp tục xử lý tiếp theo.
- Như ông đã nói, Quảng Ngãi đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, đặt người dân làm trung tâm. Làm thế nào để thực hiện mục tiêu này?
- Để xây dựng nền hành chính phục vụ tôi nghĩ cần hai yếu tố là tính chuyên nghiệp và đạo đức công vụ.
Sự chuyên nghiệp trong hệ thống quản lý sẽ được thể hiện qua tinh gọn bộ máy, và sự đơn giản, hiệu quả của các thủ tục hành chính. Ở góc độ này chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, loại bớt những cái không cần thiết và tích cực chuyển đổi số để hệ thống quản lý vận hành hiệu quả, trơn tru và thông minh hơn. Còn đối với từng cán bộ, công chức, sự chuyên nghiệp thể hiện ở năng lực, trình độ để giải quyết các yêu cầu từ người dân và bắt nhịp sự thay đổi của công nghệ.
Về đạo đức công vụ, chúng tôi sẽ tập huấn sâu rộng ở các cấp, ngành, coi việc xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, chuyên nghiệp là trách nhiệm từng cá nhân. Cán bộ sẽ được tập huấn kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống. Mỗi người trong bộ máy cần lan tỏa văn hóa phục vụ tận tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.
Cấp quản lý cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; đồng thời khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, đề xuất giải pháp cải tiến trong công việc.
Quảng Ngãi cũng thiết lập cơ chế lắng nghe và phản ánh kịp thời, đa dạng các kênh phản ánh từ đường dây nóng, cổng thông tin điện tử đến mạng xã hội; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất, đánh giá thực chất hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, tỉnh duy trì đối thoại định kỳ với người dân và doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn kịp thời, nâng cao chất lượng phục vụ công.
Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp và xây dựng nền hành chính phục vụ là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết mình để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phạm Linh