Ngày 28/5, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và một số tỉnh thành lập tổ công tác ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Tổ công tác sẽ đốc thúc cơ quan chức năng thực thi chỉ đạo của Thủ tướng và Ban chỉ đạo 386 đẩy lùi vấn nạn nói trên, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân tiếp tay, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng hàng giả xâm nhập thị trường.
![]() |
Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi trong đợt kiểm tra hàng giả, hàng nhập lậu hồi tháng 3/2025. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi |
Cùng với thành lập tổ công tác, các tỉnh cũng lên kế hoạch cụ thể cho chiến dịch cao điểm chống hàng giả đến 15/6. Các lực lượng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Biên phòng được yêu cầu tập trung kiểm tra các mặt hàng có nguy cơ cao gồm thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp và hàng điện tử.
Các cơ quan hữu trách được giao điều tra tận gốc đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả; phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, dứt điểm các vụ việc. Kết quả sẽ được công khai để răn đe, phòng ngừa chung.
Trước đó, ngày 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động đợt cao điểm toàn quốc kéo dài đến 15/6. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và hàng hóa thiết yếu.
Trước đó một số tỉnh thành như Hà Nội, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Trị, Bình Định đã thành lập tổ công tác chống hàng giả.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, đến 15/5, các lực lượng đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, bao gồm hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; và hơn 1.100 vụ liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 4.897 tỷ đồng, đồng thời khởi tố gần 1.400 vụ án với hơn 2.100 người. Trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Thạch Thảo