![]() |
Đầu tháng 7, Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc thành phố Huế kiểm tra rừng phòng hộ tại thôn An Lộc (xã Quảng Công cũ, nay thuộc phường Phong Quảng) và phát hiện diện tích lớn rừng keo lưỡi liềm bị đốn hạ.
Qua kiểm đếm thực địa, lực lượng kiểm lâm xác định 3,1 ha rừng keo bị chặt phá, gồm 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển và gần 0,6 ha rừng sản xuất. Tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm, được trồng gần 20 năm trước nhằm ngăn cát bay và xâm thực mặn, đã bị cưa hạ. Vị trí các cây bị chặt đã được đánh dấu để phục vụ công tác điều tra.
![]() |
Một số cây keo lưỡi liềm còn sót lại nằm lọt thỏm giữa khu vực rừng cây đã thanh lý.
Phần lớn gỗ đã bị vận chuyển đi, chỉ còn sót lại một số thân cây bị sâu bệnh và cành khô. Diện tích rừng bị chặt nằm gần bờ biển thôn An Lộc xã Quảng Công cũ, nơi từng xảy ra sạt lở bờ biển nghiêm trọng.
![]() |
Tại hiện trường ở lô 152 và 161, khoảnh 1, tiểu khu 89, nhiều cây keo đường kính 6-30 cm đã bị cưa sát gốc.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó chủ tịch UBND phường Phong Quảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cũ, thừa nhận diện tích rừng keo lưỡi liềm trên đồi cát ven biển tại thôn An Lộc do Ban Thường vụ xã Quảng Công cũ quyết định thanh lý. Việc này được tiến hành cuối tháng 4, đầu tháng 5, trước thời điểm sáp nhập xã, với giá 20 triệu đồng. Tiền bán rừng dự kiến dùng để chi trả cho các hộ dân chăm sóc rừng và mua giống trồng rừng mới.
![]() |
Rừng phòng hộ ven biển ở thôn An Lộc, xã Quảng Công trơ trọi sau khi 3,1 ha rừng keo lưỡi liềm bị xã Quảng Công cũ bán thanh lý trước sáp nhập xã phường. |
![]() |
Cành cây keo lưỡi liềm nằm ngổn ngang trên đồi cát sau khi doanh nghiệp thu mua khai thác rừng keo lưỡi liềm. |
![]() |
Một gốc cây keo lưỡi liềm còn sót lại với đường kính lớn, phát triển tốt. |
![]() |
Cạnh khu vực 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển bị xã Quảng Công, đồi cát hoang hóa, cây cối trơ trọi. Một số cây phi lao được trồng nhiều năm trước phát triển chậm. |
![]() |
Khu vực rừng phòng hộ ven biển tại thôn An Lộc (xã Quảng Công cũ, nay thuộc phường Phong Quảng) hiện trơ trụi, không còn tán cây che phủ. Trong khi đó, khu rừng phòng hộ tại tổ dân phố Vĩnh Trị (phường Thuận An), nằm giáp ranh, vẫn còn dày tán cây.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, cho biết đơn vị đang điều tra vụ việc 2,5 ha rừng phòng hộ bị chặt hạ. Theo ông Tuấn, rừng phòng hộ ven biển có vai trò chắn cát bay, giảm thiểu tác động thiên tai trong mùa mưa bão.
![]() |
Nhà hàng, homestay được xây dựng tại khu vực từng xảy ra sạt lở, nơi trước đây người dân trồng phi lao để chắn gió, giữ đất. Sau khi có bờ kè ven biển, khu vực này bị bêtông hóa, nhiều công trình nhà hàng, homestay được xây dựng trái phép.
Trước đó, chính quyền huyện Quảng Điền (cũ) đã yêu cầu các cơ sở này tạm dừng hoạt động, không được cơi nới, xây dựng thêm. Tuy nhiên, nhà hàng và homestay vẫn tiếp tục đón khách, hoạt động trái quy định.
![]() |
Nhìn từ trên cao, khu vực rừng phòng hộ ven biển bị xã Quảng Công (cũ) thanh lý nằm sát khu tái định cư thôn An Lộc. Người dân tại khu tái định cư này từng được di dời do bờ biển thôn An Lộc sạt lở nghiêm trọng trong những năm trước.
Để ứng phó tình trạng sạt lở, thành phố Huế đã xây dựng tuyến bờ kè và bố trí người dân đến các khu tái định cư. Sau khi người dân di dời, chính quyền xã Quảng Công cho phép một số cá nhân, doanh nghiệp xây dựng nhà hàng, homestay trên phần đất từng bị sạt lở mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Võ Thạnh