![]() |
Cầu Rạch Tôm ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè cũ) được xây dựng từ trước năm 1975, đã xuống cấp sau nhiều năm khai thác. Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cầu sẽ được xây mới với tổng vốn gần 500 tỷ đồng, khởi công ngày 10/7, hoàn thành cuối năm sau.
Dự án cầu nằm trong kế hoạch của TP HCM nhằm thay thế 4 cầu sắt trên trục Lê Văn Lương, gồm: Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Những cầu này có tuổi đời hơn 50 năm, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Trong số này, cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa đã được xây mới và khai thác năm 2023 và 2024.
![]() |
Cầu Rạch Tôm bắc qua tuyến rạch cùng tên, sử dụng kết cấu sắt thép. Đây là công trình giao thông trọng điểm trên đường Lê Văn Lương giúp kết nối khu nam TP HCM với tỉnh Tây Ninh mới (trước là Long An). Nếu không qua cầu này thì người dân phải đi đường vòng khoảng 10 km. |
![]() |
Cầu Rạch Tôm chỉ rộng khoảng 4 m nên xe máy và ôtô phải canh lượt qua để tránh va quẹt. Ở hai đầu cầu đều có nhân viên túc trực để điều tiết giao thông.
Do mặt cầu hẹp, ôtô qua cầu luân phiên theo đèn tín hiệu ở hai đầu. Cầu cũng cấm xe có tải trọng trên 3,5 tấn và hạn chế ôtô trong hai khung giờ 6h-8h và 16h-18h.
![]() |
Không có vỉa hè nên người đi bộ phải đi dưới mặt cầu, len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc. "Cầu xuống cấp từ lâu lại chật hẹp nên vào giờ cao điểm, nhất là khi tan trường rất đông đúc", ông Phạm Văn Bình, 56 tuổi, cho biết. |
![]() |
Bề mặt cầu kết cấu bằng những tấm sắt thép dạng lưới được hàn lại với nhau. Một số vị trí mối nối giữa các tấm thép bị hở nên cầu luôn bị rung lắc mạnh, phát ra âm thanh lớn khi xe chạy qua. Ngoài ra khi trời mưa, mặt cầu trơn trượt khiến xe máy dễ bị ngã. |
![]() |
Lan can cầu cao hơn một mét, nhiều đoạn hở với kích thước lớn. Người dân cho biết, để đảm bảo an toàn, khoảng 5 năm nay lan can được gia cố thêm các thanh sắt thép ở giữa. |
![]() |
Các trụ cầu được gia cố bằng khung thép để tăng khả năng chịu lực. Tĩnh không thấp cũng gây khó khăn cho tàu, thuyền đi trên rạch. |
![]() |
![]() |
Một số bộ phận, kết cấu sắt thép của cầu hoen rỉ, mục nát sau hơn nửa thế kỷ sử dụng. |
![]() |
![]() |
Để xây cầu mới, nhiều hộ dân hai bên đường đang tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng. Trước đó, từ năm 2024 toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở dự án được chủ đầu tư giải ngân cho huyện Nhà Bè cũ. Đến nay, 83 trong số 111 trường hợp bị ảnh hưởng đồng ý nhận tiền đền bù.
Cuối tháng 6, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đã bàn giao mặt bằng phạm vi thi công mố M1, trụ T1. Dự kiến phần mặt bằng còn lại sẽ bàn giao vào cuối tháng 9.
![]() |
Trưa 8/7, gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (65 tuổi) sửa lại nhà sau khi đã bàn giao hơn 70 m2 đất để thi công cầu. "Nhà tôi đồng ý mức đền bù hơn 3 tỷ đồng, giờ xây nhỏ lại chỉ rộng 40 m2. Mong cầu mới sớm hoàn thành để bà con đi lại dễ dàng hơn", bà Lệ cho biết. |
![]() |
Cầu mới có tổng chiều dài 684 m, trong đó phần cầu dài 173 m, rộng 15 m, còn lại là đường dẫn hai đầu. Công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển và chỉnh trang đô thị cho cả khu vực này.
Ngoài cầu Rạch Tôm chuẩn bị khởi công, cầu còn lại Rạch Dơi đã được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 781 tỷ đồng. Công trình đang chờ hoàn tất các thủ tục để triển khai, tạo đồng bộ mạng lưới giao thông trên tuyến.
![]() |
Vị trí cầu Rạch Tôm. Đồ họa: Hoàng Thanh
Theo chủ đầu tư, đường Lê Văn Lương là trục huyết mạch kết nối giao thông giữa khu Nam TP HCM và tỉnh Tây Ninh mới, đặc biệt là nhu cầu đi lại, giao thương giữa hai địa phương ngày càng tăng.
Quỳnh Trần