Chiều 3/4, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tiếp nhận hai hiện vật gốc là bộ bàn ghế, ấm chén trà từ gia đình cụ Phạm Văn Công, Nguyễn Thị Quyển trao tặng. Đi kèm có hai bức ảnh Bác Hồ đến thăm gia đình giao thừa Quý Mão 1963 và 20 ảnh tư liệu về hoạt động yêu nước của kiều bào tại Tân Đảo - New Caledonia, hòn đảo nam Thái Bình Dương từng là thuộc địa của Pháp, được gia đình lưu giữ hơn 60 năm.
![]() |
Các con trai cụ Phạm Văn Công tặng hiện vật, ảnh tư liệu cho đại diện Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chiều 3/4. Ảnh: Nam Nguyễn |
Ông Phạm Văn Giao, con trai thứ của cụ Công năm ấy 19 tuổi, vẫn nhớ đêm 30 Tết mấy anh em rủ nhau lên câu lạc bộ thiếu niên chờ đón xuân mới. Ngôi nhà trên phố Đại La (Hà Nội) chỉ còn bố mẹ chuẩn bị cúng giao thừa. Cụ Phạm Văn Công dán khẩu hiệu mừng xuân, treo một tấm ảnh chân dung Hồ Chủ tịch ở nơi dễ nhìn thấy nhất nhà, trước phòng khách. Đó là thời điểm gia đình 8 người từ Tân Đảo trở về nước được hai năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện chúc Tết, hỏi han sắm Tết, đủ bánh chưng chưa, chuyện con cái học hành. Ông cụ kéo chiếc ghế nhỏ ngồi cạnh bàn học con trai cụ Công, hỏi han như người nhà, dặn đôi điều rồi rời đi. Gia đình chụp với Hồ Chủ tịch hai tấm ảnh kỷ niệm. Sau giao thừa, anh em ông Giao nghe bố mẹ kể lại vẫn tiếc vì không ở nhà.
Ông Giao nhớ bộ bàn ghế cùng ấm chén hoa hồng mua ở Bách hóa Tổng hợp giá 73 đồng. Những vật dụng lưu giữ ký ức đêm giao thừa năm Quý Mão đi cùng gia đình 62 năm qua. Cha mẹ đã qua đời, anh em ông Giao bàn nhau tặng lại Khu di tích với mong muốn "ghép một mảnh ký ức" về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp nhận hiện vật, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chia sẻ biết ơn sâu sắc khi gia đình tặng hiện vật quý về với ngôi nhà của Bác Hồ, nơi gìn giữ ký ức và di sản Hồ Chủ tịch 15 năm cuối đời 1954-1969. Bà gọi đây là "mối duyên lành" của Khu di tích với kiều bào yêu nước.
"Những câu chuyện ẩn chứa trong hiện vật làm phong phú thêm kho tư liệu, tài liệu tại đây, đáp ứng nhu cầu tham quan của đồng bào, giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần mang di sản Hồ Chí Minh đến với công chúng", bà chia sẻ.
![]() |
Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trao tặng kỷ niệm cho gia đình. Ảnh: Nam Nguyễn |
Tân Đảo (New Caledonia) nằm ở nam Thái Bình Dương, từng là thuộc địa của Pháp. Những năm 1930, người Việt di cư sang đây phần lớn là nông dân nghèo, đi làm phu mỏ. Họ trải qua những năm tháng lao động nặng nhọc, bị phân biệt đối xử, bị gọi bằng những con số thay cho tên riêng. Hiện có khoảng 3.000 người Việt sinh sống tại hòn đảo này. Năm 2016, Việt Nam lập cơ quan đại diện phi chính thức tại New Caledonia.
Vợ chồng cụ Phạm Văn Công, Nguyễn Thị Quyển quê Thái Bình, năm 1939 tuổi đôi mươi cũng phải lên tàu xa xứ. Ở Tân Thế Giới, họ làm việc ở các mỏ crom như nô dịch. Hết hạn giao kèo 5 năm, ai nấy muốn trở về nước song chủ mỏ viện lý do chiến tranh thế giới thứ hai nên giữ lại. Người đi phu đã tập hợp đấu tranh đòi hồi hương, trong đó có vợ chồng cụ Công nhưng chưa thể về nhà.
Bảy năm sau, các cuộc đấu tranh càng mạnh mẽ khi họ nghe tin quê nhà đã giành độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thực dân Pháp trả một số người về nước nhưng đàn áp dữ hơn khi cấm hội họp, học tiếng Việt hoặc làm một số nghề. Tham gia đấu tranh, gia đình cụ Công bị tịch thu tài sản.
Chờ đợi thêm 14 năm, tới 1961, gia đình mới có thể hồi hương trên các chuyến tàu từ Tân Đảo về Hải Phòng. Những năm 1960-1964, nhận lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 6.000 kiều bào lần lượt trở về quê trên 11 chuyến tàu. Khi con tàu cập bến cảng Hải Phòng ngày 12/1/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón đồng bào, đã khẳng định Tổ quốc luôn hoan nghênh kiều bào trở về, đem sức lực, tài năng dựng xây đất nước.
![]() |
Bộ ấm chén hoa hồng mua tại Bách hóa Tổng hợp hơn 60 năm trước. Ảnh: Hồng Chiêu |
Cụ Công có 6 người con trai, đặt tên Đức - Giao - Kính - Chúc - Bình - An. Ba người trong số này từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc, ông Bình hy sinh tại mặt trận Trị Thiên chỉ vài tuần trước khi tròn 20 tuổi, hai người trở về là thương bệnh binh. Những người còn lại từng là kỹ sư xây dựng, kỹ sư kinh tế nông nghiệp, phóng viên, nay đều trên dưới 80 tuổi. Con cháu làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế trong và ngoài nước, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Nhìn lại chặng đường gần một thế kỷ, từ những tháng năm bôn ba của cả nhà cho đến hôm nay, ông Phạm Văn Giao nói chưa bao giờ hối hận khi quyết định trở về. Dù những năm tháng ấy anh em họ đã kịp lớn, bắt đầu tiếp xúc với nhịp phát triển ở Tân Đảo nhưng vẫn trở về vì Việt Nam mới là quê hương.
"Nếu cho làm lại, chúng tôi vẫn chọn trở về", ông Giao nói.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Ba Đình, Hà Nội) lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu về Hồ Chủ tịch. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất năm từ ngày 19/12/1954 đến 2/9/1969. Năm 2009, Khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Từ cuối năm 1969 đến hết tháng 6/2024, nơi này đón gần 72,9 triệu lượt đồng bào trong nước và hơn 16,5 triệu lượt khách quốc tế viếng thăm.
Hồng Chiêu