![]() |
![]() |
Những ngày giữa tháng 4, bờ biển dài 2,3 km từ Victoria Hoi An Beach Resort & Spa (phường Cửa Đại) đến khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) người dân dựng chòi, đặt bàn ghế phục vụ du khách tắm biển, nghỉ dưỡng. Bốn năm trước, khu vực này bị sóng đánh sạt lở, nhiều hàng quán bị cuốn trôi.
Bờ biển Hội An dài 7,5 km thuộc phường Cửa Đại và Cẩm An với nhiều tên gọi bãi biển Cửa Đại, Thịnh Mỹ, Tân Thành và An Bàng. Cửa Đại từng đứng trong top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á, nhưng từ năm 2014 bị nước biển xâm thực, mỗi năm sóng cuốn trôi hàng trăm mét.
Do chưa có dự án tổng thể nên Quảng Nam làm theo kiểu chắp phá, sạt lở chỗ nào thì làm bờ kè, đắp bao cát gia cố. Dù bỏ ra hàng trăm tỷ đồng nhưng bờ biển vẫn sạt lở.
![]() |
Năm 2016, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án kỹ thuật nghiên cứu, khảo sát tổng thể khu vực biển Hội An. Từ kết quả này, tỉnh quyết định xây dựng đê ngầm chắn sóng và bơm cát tạo bãi.
Từ tháng 6/2020 đến 9/2024, tỉnh Quảng Nam triển khai ba dự án với tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng hoàn thành tuyến đê ngầm dài hơn 2,3 km.
Đê ngầm được thiết kế âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song cách bờ 250 m. Đê cao trung bình 4,5 m, chân rộng 12 m, chóp rộng 1,5 m. Thân đê kết cấu phía trong bằng đá hộc, mỗi hòn nặng 700-1.200 kg; phía ngoài lát bêtông khối, mỗi hòn nặng 5 tấn.
Sau khi tuyến đê ngầm hoàn thành, tỉnh cho tận dụng hơn 100.000 m3 cát nạo vét luồng Cửa Đại để bơm vào bãi biển. "Sau khi ba dự án hoàn thành, sóng đánh vào có đê ngầm ngăn lại, giảm cường độ. Sóng tiếp tục vào đến bờ gặp bãi cát nên bị giảm lực tác động vào bờ", ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam, nói. Khu vực đã xây dựng 2,3 km đê ngầm gần như không xảy ra sạt lở sau các đợt bão, lụt, áp thấp nhiệt đới.
![]() |
![]() |
Trước đây để ngăn sạt lở, chính quyền cùng người dân dùng bao tải làm kè chắn sóng nhưng bất thành.
Sau khi đoạn đê ngầm hoàn thành, cát được bồi lại, chủ nhà hàng dựng chòi, bàn ghế phục vụ du khách. "Khác với cảnh tan hoang năm 2020, giờ bãi biển cát trắng mịn. So với khi chưa sạt lở, bãi biển không đẹp bằng nhưng cũng phần nào mang lại niềm vui người dân, du khách", ông Nguyễn Tuấn, chủ một nhà hàng, nhận xét.
![]() |
![]() |
Bờ biển Cửa Đại so với năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn. Trái ngược cảnh bị sóng đánh tan hoang, dừa, nhà cửa sạt lở thì nay cát bồi lên tạo bãi cát dài hơn 100 m trắng mịn. |
![]() |
![]() |
Hàng quán ven bờ biển Cửa Đại năm 2020 đóng cửa, mỗi đợt mưa bão người dân tốn nhiều tiền của, công sức dùng bao tải chứa cát làm kè. Sau khi dự án hoàn thành bơm cát tạo bãi, chủ nhà hàng sửa sang sân, đặt bàn ghế kinh doanh. |
![]() |
![]() |
Do bờ biển Cửa Đại sạt lở nên nhiều năm qua du khách nước ngoài tìm đến bãi biển An Bàng nghỉ dưỡng. Sau khi Cửa Đại hồi sinh, du khách bắt đầu trở lại, một chủ nhà hàng nói. |
![]() |
![]() |
Một nhà hàng lợp bằng tranh, cây gỗ năm 2020 bị nước biển xâm thực, cuốn trôi. Sau khi cát bồi, trên diện tích năm xưa, chủ nhà hàng dựng quán mới.
Chị Thanh Mai, 35 tuổi, du khách đến từ Hà Nội, cho biết bốn năm trước ra biển Cửa Đại chơi. Khi ấy bờ biển sạt lở, bãi tắm không có. Nhiều khách Tây tắm trên bờ kè làm bằng bao tải. "Nay trở lại, bãi biển Cửa Đại cát bồi rộng hàng trăm mét, du khách có thể tắm", chị nói.
![]() |
![]() |
Cũng trên bờ biển Hội An, năm 2023 khi dự án chưa triển khai, bờ biển đoạn khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị xâm thực 20 m, sóng đánh bay hàng loạt ngôi nhà.
Tháng 9/2024, dự án đê ngầm hoàn thành, khu vực này trở lại như xưa. Người dân dựng lại nhà, quán hàng buôn bán sôi động như xưa.
![]() |
![]() |
Tuyến đường bêtông ven biển Thịnh Mỹ bị biển xâm thực, cuốn trôi năm 2023 không còn lối đi. Gần một năm trước, bãi biển hồi sinh, người dân mở lại đường đi ra biển. |
![]() |
![]() |
Năm 2023, bờ biển đoạn khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị sạt lở 20 m, nhiều ngôi nhà bị cuốn sập. Sau khi cát bồi, họ dựng lại nhà, quán hàng trên đất cũ. |
![]() |
Ông Nguyễn Châu, 60 tuổi, khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An đang dọn bàn ghế phục vụ du khách. Ông cho biết từ năm 2021 sạt lở bắt đầu xuất hiện, đến 2023 bị xói lở 50 m, cuốn một ngôi nhà. Năm 2024, dự án xây kè ngầm chắn sóng và đổ cát tạo bãi, trả lại gần như nguyên vẹn. "Hiện sóng đánh vào có đê ngầm ngăn lại, nước không xoáy vào bờ cuốn đất, cát ra khơi", ông nói.
Để bảo vệ đoạn bờ biển 5,2 km còn lại, hôm 20/3 tỉnh Quảng Nam khởi công dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn 42 triệu euro (hơn 980 tỷ đồng), trong đó 35 triệu euro là khoản vay từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD), 2 triệu euro đến từ khoản viện trợ không hoàn lại của EU, địa phương đối ứng 5 triệu euro. Thời gian hoàn thành dự án năm 2026.
Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ xây đê ngầm dài gần 3,4 km nằm ở phía nam bờ biển Cửa Đại. Khi tuyến đê hoàn thành, dự kiến 1,5 triệu m3 cát lấy từ biển Cửa Đại sẽ được đổ lên tạo thành bãi khô rộng 40 m, bãi tắm rộng 60 m.
Đắc Thành