Thông tin giả mạo xuất hiện trên một số tài khoản mạng xã hội vào chiều 27/7, thu hút nhiều lượt bình luận và chia sẻ. Hàng nghìn người dân sinh sống tại vùng hạ du nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương cũ, lo sợ nước dâng gây ngập lụt nên mang theo tài sản chạy lên núi.
Một người dân ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương cũ, cho hay đang dọn dẹp nhà thì nghe tiếng hô hoán "vỡ đập" nên chạy ra đường xem. Thấy một số người khác ôm đồ đạc chạy về ngọn núi gần đó nên vào kêu gọi các thành viên trong gia đình đi trú tránh, dù chưa rõ thực hư.
![]() |
Người dân vùng hạ du chạy lên núi sau khi nghe thông tin giả "vỡ đập thủy điện Bản Vẽ", chiều 27/7. Ảnh: Hùng Lê |
Xác định "vỡ đập" là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Công an tỉnh Nghệ An đang xác minh người tung tin để xử lý nghiêm.
Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, cho biết đập Bản Vẽ đang vận hành an toàn, không có dấu hiệu bất thường. Lưu lượng nước đổ về hồ lúc 20h ngày 27/7 là 1.800 m3/s, lượng nước xả ra cũng ở mức này.
"Thông tin gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân vùng hạ du. Sau khi đại diện nhà máy và chính quyền đăng hình ảnh thực địa lên mạng, khẳng định không có chuyện vỡ đập, người dân đã từ núi trở về nhà", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, xã Yên Na và một số xã lân cận của huyện Tương Dương cũ, đang mưa. Dự báo lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ trong đêm nay là 2.200 m3/s, sau đó giảm từ từ.
![]() |
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ trong một lần xả lũ vào năm 2024. Ảnh: Linh Chi |
Thủy điện Bản Vẽ là công trình lớn nhất Bắc Trung Bộ, nằm ở đầu nguồn sông Cả, thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương cũ, công suất thiết kế 320 MW; mực nước bình thường 200 m; dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3; hòa lưới điện quốc gia năm 2010. Khi triển khai dự án, 2.910 hộ với 13.735 nhân khẩu thuộc 31 bản của 8 xã vùng lòng hồ phải di dời.
Nghệ An hiện có 23 hồ chứa thủy điện vận hành khai thác, trong đó 8 hồ thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Cả, gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạc Hạc An và Châu Thắng. Các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.
![]() |
Ngập lụt tại xã Con Cuông, huyện Con Cuông cũ, hạ du nhà máy thủy điện Bản Vẽ, ngày 23/7. Ảnh: Đức Hùng |
Do ảnh hưởng bão Wipha, Nghệ An mưa lớn. Lũ từ thượng nguồn kết hợp nước xả từ các nhà máy thủy điện gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại hàng chục xã thuộc các huyện miền núi cũ như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Anh Sơn. Đến nay, nhà chức trách ghi nhận 4 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn; còn 10 xã miền núi với gần 6.600 hộ dân, hơn 31.000 người bị cô lập.
Đức Hùng