"Ukraine và Mỹ đang làm rõ mọi chi tiết liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ quốc phòng, trong đó có cả các thiết bị phòng không", Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 2/7 cho biết.
"Việc Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine, cho quốc phòng, cho người dân của chúng tôi là vì lợi ích chung của tất cả chúng ta", ông nói thêm.
![]() |
Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía quân đội Nga tại vùng Donetsk hồi tháng 4/2024. Ảnh: Reuters |
Vài phút sau, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga viết trên X rằng Ukraine "cần thêm tên lửa đánh chặn cùng các hệ thống vũ khí" và Kiev "sẵn sàng mua hoặc thuê chúng".
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine ra tuyên bố nhấn mạnh "con đường để chấm dứt xung đột là thông qua việc gây áp lực nhất quán và chung tay chống lại đối thủ, cũng như bằng cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine".
Bộ thêm rằng họ "chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc đình chỉ hoặc sửa đổi lịch trình bàn giao các khoản viện trợ quốc phòng đã thỏa thuận".
Thông tin được Kiev đưa ra sau khi Nhà Trắng hôm 1/7 thông báo sẽ dừng một số chuyến hàng viện trợ vũ khí quan trọng tới Ukraine vốn đã được chính quyền Mỹ cam kết trước đó, song không nêu chi tiết những khí tài nào sẽ bị cắt.
Truyền thông Mỹ đưa tin tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot, tên lửa chống tăng Hellfire cùng nhiều loại vũ khí Ukraine sử dụng cho tiêm kích F-16 nằm trong số những khí tài đang bị Lầu Năm Góc giữ lại.
Trong khi đó, giới chức Mỹ ngày 2/7 đã tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của thông báo trên.
"Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục cung cấp cho Tổng thống các phương án quyết đoán liên quan đến viện trợ quân sự Ukraine, phù hợp với mục tiêu của ông ấy là chấm dứt cuộc xung đột bi thảm này", người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết thông báo không phải lời tuyên bố rằng Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ hay ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Đây chỉ là một sự kiện, một tình huống, và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về những gì có thể diễn ra trong tương lai", bà nói.
Dưới thời chính quyền tổng thống Joe Biden, Washington đã dẫn đầu nỗ lực hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev với hơn 100 tỷ USD viện trợ được quốc hội Mỹ phê duyệt, trong đó có 43 tỷ USD vũ khí.
Tổng thống Donald Trump, người đang thúc đẩy Nga - Ukraine đàm phán hòa bình, đã từ chối đưa ra các gói viện trợ mới. Kiev đang tìm cách vận động các đồng minh châu Âu tăng cường hỗ trợ.
Tại Moskva, Điện Kremlin tuyên bố việc cắt giảm dòng vũ khí cho Ukraine sẽ giúp xung đột kết thúc nhanh hơn. "Càng ít vũ khí được chuyển giao cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ càng sớm kết thúc", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/7 nói.
Trong cuộc gặp Tổng thống Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hà Lan tuần trước, Tổng thống Trump không đưa ra dấu hiệu công khai nào cho thấy Mỹ đang cân nhắc cắt giảm viện trợ cho Ukraine.
"Chúng tôi sẽ xem liệu có thể cung cấp được một số loại tên lửa phòng không mà Kiev đang rất cần để chống đỡ các cuộc tấn công của Nga hay không", ông nói khi đó.
Theo phân tích dữ liệu của không quân Ukraine, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào nước này trong tháng 6, phóng gần gấp đôi số tên lửa và nhiều hơn 30% số máy bay không người lái (UAV) so với tháng 5.
Vũ Hoàng (Theo AFP)