Timur Tkachenko, lãnh đạo cơ quan quân sự thủ đô Kiev của Ukraine, tuần trước thông báo triển khai chương trình mang tên "Trời quang", sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) đánh chặn nội địa để bảo vệ thành phố khỏi các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái tầm xa của Nga.
Dự án này sẽ được phân bổ 260 triệu hryvnia (6,2 triệu USD) để mua trang thiết bị, xây dựng trung tâm huấn luyện phi công điều khiển drone đánh chặn, thành lập thêm tổ phòng không di dộng trực chiến ở thủ đô Kiev và khu vực xung quanh.
Ông Tkachenko cho biết chương trình được tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ của quân đội Ukraine, nhằm đảm bảo đồng bộ với các hệ thống phòng không có sẵn trong biên chế.
Quan chức Ukraine tuyên bố rằng lực lượng drone của dự án đã đánh chặn gần 550 máy bay không người lái (UAV) tự sát Nga trên bầu trời tỉnh Kiev trong vài tháng thử nghiệm. "Đây là khoản đầu tư cho sự an toàn của người dân Kiev. Chúng tôi cũng tiếp tục củng cố năng lực phòng thủ. Bầu trời Kiev sẽ được dọn sạch", ông Tkachenko nhấn mạnh.
Chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes cho biết Geran-2 bay chậm và thường gần mặt đất, khiến các tổ phòng không di động Ukraine dễ dàng bắn hạ. Tuy nhiên, giá thành rẻ và thiết kế đơn giản của Geran-2 cho phép Nga sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, tạo điều kiện cho những đòn tập kích liên tiếp với hàng trăm chiếc mỗi lần.
Frontelligence Insight, nhóm phân tích tin tình báo ở Ukraine, nói Nga đã sử dụng tổng cộng 28.743 UAV tự sát kể từ đầu xung đột, trong đó riêng tháng 6 là 2.763 chiếc, tương đương 10% tổng số phi cơ. Nhóm ước tính Nga sản xuất trung bình hơn 60 UAV tự sát tầm xa Geran-2 mỗi ngày, tức là gần 1.850 máy bay mỗi tháng, trong giai đoạn tháng 2-4.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi đầu tháng tuyên bố nước này đã xuất xưởng drone nhiều gấp ba lần mục tiêu đề ra, được cho là đề cập kế hoạch sản xuất cả UAV tầm xa như Geran-2 và drone cỡ nhỏ hơn trong năm 2025.
Trong cuộc tập kích có quy mô lớn kỷ lục vào sáng 9/7, quân đội Nga đã triển khai 728 UAV tự sát Geran-2 và phi cơ mồi bẫy. Giới chức Ukraine từng cảnh báo khả năng Nga huy động hơn 1.000 UAV tầm xa mỗi ngày.
"Số lượng như vậy là quá nhiều với các tổ hợp phòng không Patriot. Tổng sản lượng đạn tên lửa Patriot hàng năm của Mỹ chỉ là khoảng 650 quả. Mỗi tên lửa có giá hơn 4 triệu USD, cao hơn 100 lần so với UAV Geran-2", Hambling cho hay.
![]() |
UAV Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ trên bầu trời Kiev hôm 10/7. Ảnh: AFP |
Không chỉ thiếu tên lửa và hệ thống phòng không, Ukraine còn gặp nhiều khó khăn do Nga đã thay đổi chiến thuật phóng UAV. Phi cơ hiện giờ bay lắt léo và ở độ cao lớn hơn, ngoài tầm bắn của các tổ phòng không di động trang bị súng máy, vô hiệu hóa một trong những phương án phòng không giá rẻ của Ukraine.
Theo số liệu được Forbes trích dẫn, phòng không Ukraine bắn hạ 95% UAV Geran-2 được Nga triển khai trong tháng 5. Con số này giảm xuống 86% trong tháng 6, đồng nghĩa số lượng phi cơ lọt qua lưới phòng không đã tăng thêm ba lần.
"Súng máy không thể bắn được UAV Geran ở độ cao lớn, song drone đánh chặn nhỏ và nhanh thì có thể", Hambling nhận định.
Trên thực tế, drone đánh chặn không phải giải pháp hoàn toàn mới. Lực lượng Ukraine ở tiền tuyến từ lâu đã sử dụng drone góc nhìn thứ nhất (FPV) để đối phó UAV trinh sát và drone tự sát Nga.
Serhii Sternenko, người gây quỹ chế tạo drone cho quân đội Ukraine, cho biết nước này cần thiết bị chuyên dụng để đối phó UAV Geran-2, vốn bay nhanh hơn nhiều. "UAV trinh sát Orlan chỉ đạt tốc độ tối đa 140 km/h, trong khi Geran-2 thường bay ở tốc độ 200-300 km/h", Sternenko cho biết.
Hambling cũng nhận định rằng drone FPV thông thường không phải giải pháp để đối phó UAV Geran-2, do trần bay và tốc độ quá chênh lệch. Do đó, Ukraine cho ra mắt một số dòng drone mới, như mẫu Sting có hình viên đạn với thiết kế khí động học.
![]() |
Drone đánh chặn Sting của Ukraine. Ảnh: Wild Hornets |
Ukraine hồi tháng 4 lần đầu công khai mẫu UAV được thiết kế để đánh chặn Geran-2, cho biết nó có trần bay 5 km và tốc độ tối đa 200 km/h. Nhà sản xuất khi đó tuyên bố mẫu phi cơ này đã hạ được hơn 20 chiếc Geran-2 và 10 máy UAV trinh sát của Nga trong vòng hai tháng.
Drone đánh chặn cũng được coi là lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế, đặc biệt khi so sánh với chi phí của tên lửa phòng không. Lực lượng thiết bị không người lái Ukraine cho biết drone đánh chặn chỉ có giá khoảng 5.000 USD, rẻ hơn hàng trăm lần so với tên lửa, dù không nêu cụ thể đó là mẫu nào.
Nguồn cung drone của Ukraine cũng dồi dào hơn nhiều so với tên lửa phòng không. Arsen Zhumadilov, giám đốc cơ quan mua sắm quốc phòng Ukraine, hôm 14/7 cho biết drone đánh chặn đã được đưa vào sản xuất hàng loạt và giới chức đã đặt mua hàng chục nghìn thiết bị.
"Chúng tôi sẽ ký hợp đồng mua mọi thứ, miễn là trong giới hạn ngân sách cho phép", ông nói.
Phạm Giang (Theo RBC Ukraine, Kyiv Independent, Forbes)