"Quá trình chế tạo tàu sân bay USS John F. Kennedy đã hoàn tất gần 95%. Thời điểm bàn giao theo hợp đồng là tháng 7/2025", các quan chức hải quân Mỹ cho biết hôm 8/4 khi điều trần trước tiểu ban phụ trách đóng chiến hạm dùng năng lượng hạt nhân thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Nhóm quan chức thừa nhận đang đối mặt áp lực đáng kể trước thời điểm bàn giao theo hợp đồng, do tàu sân bay USS John F. Kennedy đang gặp hàng loạt vấn đề với hệ thống thang nâng vũ khí, máy phóng điện từ (EMALS) và cáp hãm đà.
![]() |
Tàu sân bay USS John F. Kennedy tại nhà máy đóng tàu ở bang Virginia, Mỹ, tháng 10/2019. Ảnh: US Navy |
Lỗi thang nâng và EMALS từng xuất hiện trên tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford là USS Gerald R. Ford. Chiến hạm khởi đóng năm 2009, hạ thủy năm 2013 và bàn giao cho hải quân Mỹ năm 2017. Giá của tàu sân bay USS Gerald R. Ford khi bàn giao là 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD và trở thành chiến hạm đắt nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.
Theo các quan chức hải quân Mỹ, những vấn đề trên nảy sinh trong quá trình chế tạo, không phải từ giai đoạn thiết kế lớp tàu sân bay Ford. Họ khẳng định các bài học kinh nghiệm thu được từ hai tàu đầu tiên đang được áp dụng trong quá trình chế tạo hai chiếc tiếp theo là USS Enterprise và USS Doris Miller.
Thang nâng trên tàu sân bay lớp Ford sử dụng động cơ tuyến tính điện từ, cho phép chúng mang tới 10 tấn hàng và đạt tốc độ di chuyển 45 m/phút. Thang nâng của tàu sân bay lớp Nimitz cũ hơn dùng ròng rọc và cáp, mang được 4,7 tấn hàng và di chuyển 30 m/phút.
![]() |
Thủy thủ tàu sân bay USS Gerald R. Ford đứng gần thang nâng vũ khí. Ảnh: US Navy |
EMALS là đổi mới đáng kể trên tàu sân bay lớp Ford so với lớp Nimitz. Hệ thống này cho phép phóng máy bay với tải trọng lớn hơn so với hệ thống vận hành bằng hơi nước trên lớp Nimitz, giúp phi cơ mang được nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, hiệu suất của EMALS trên tàu sân bay lớp Ford vẫn bị nghi ngờ.
Mỗi chiến hạm thuộc lớp Ford có chiều dài 337 m, có thể chở 75 phi cơ và thủy thủ đoàn hơn 4.500 người. Chúng được trang bị nhiều công nghệ cùng các hệ thống vận hành mới, giúp tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa mới.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider, AP, AFP)