"Đây là bước đầu tiên nhằm xóa bỏ Bộ Giáo dục. Chúng ta sẽ đóng cửa nó và đóng càng nhanh càng tốt. Nó chẳng có lợi gì cho chúng ta", Tổng thống Donald Trump nói tại Nhà Trắng hôm 20/3 khi ký sắc lệnh giải thể cơ quan này, cho biết vấn đề cuối cùng là quốc hội sẽ bỏ phiếu để xóa bỏ hoàn toàn Bộ này.
Đây là động thái mới nhất của Tổng thống Trump nhằm định hình lại chính phủ Mỹ và cải tổ bộ máy quan liêu liên bang.
![]() |
Tổng thống Trump cầm sắc lệnh hành pháp giải thể Bộ Giáo dục tại Nhà Trắng, ngày 20/3. Ảnh: AFP |
Sắc lệnh được thông qua sau khi Bộ Giáo dục Mỹ thông báo sa thải gần một nửa nhân viên, thu hẹp chức năng của bộ này xuống chỉ còn quản lý những khoản vay, trợ cấp sinh viên hay nguồn lực cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
Văn kiện sẽ trao toàn quyền quyết định đối với trường học cho chính quyền các bang và hội đồng địa phương, điều khiến những người ủng hộ giáo dục tự do lo ngại.
Giáo dục từ lâu đã là chủ đề chính trị nóng hổi ở Mỹ, khi phe bảo thủ ủng hộ những chính sách giúp ích cho các trường tư thục, trong khi phe thiên tả ủng hộ những chương trình và nguồn tài trợ cho trường công lập.
Những tranh cãi về giáo dục tại Mỹ tiếp tục gia tăng trong đại dịch Covid-19 và cũng chính là mối chia rẽ mà ông Trump đã khai thác khi là ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa.
Mặc dù đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng đảng quốc hội, họ vẫn cần ủng hộ của đảng Dân chủ nhằm hội đủ 60 phiếu tại Thượng viện Mỹ để quyết định đóng cửa Bộ Giáo dục được thông qua.
Bộ Giáo dục Mỹ giám sát khoảng 100.000 trường công và 34.000 trường tư, dù hơn 85% nguồn tài trợ cho trường công đến từ chính quyền bang và địa phương. Bộ cũng cung cấp các khoản ngân sách liên bang cho những trường học và chương trình đặc biệt, như tiền lương cho giáo viên dạy trẻ em cần hỗ trợ, tài trợ cho các chương trình nghệ thuật và thay thế cơ sở hạ tầng lỗi thời.
Cơ quan đồng thời giám sát khoản vay sinh viên trị giá 1.600 tỷ USD của hàng chục triệu người Mỹ không đủ khả năng chi trả học phí đại học.
Giống như nhiều sắc lệnh hành pháp khác mà Tổng thống Trump đưa ra, văn kiện này nhiều khả năng phải đối mặt với những thách thức pháp lý. Các công đoàn đại diện cho giáo viên đã lên án ý định của ông trước khi ký sắc lệnh.
"Donald Trump và Elon Musk đã nhắm mục tiêu vào các trường công và tương lai của 50 triệu học sinh ở các cộng đồng nông thôn, ngoại ô và thành thị trên khắp nước Mỹ, bằng cách phá hủy nền giáo dục công để trả tiền trợ cấp thuế cho các tỷ phú", Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Becky Pringle tuyên bố.
Bà Pringle cho rằng hành động của ông Trump sẽ gây tổn hại đến tất cả học sinh khi làm tăng vọt sĩ số lớp học, cắt giảm các chương trình đào tạo nghề, khiến giáo dục đại học trở nên đắt đỏ hơn và vượt quá khả năng chi trả của các gia đình trung lưu, tước đi những dịch vụ giáo dục đặc biệt cho học sinh khuyết tật và làm suy yếu các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của học sinh.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, CNN)